Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt

Phùng Anh - Huyền Trang - Dương Duy-Thứ tư, ngày 08/05/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông, gốm Chu Đậu được ưa chuộng không chỉ bởi chất lượng mà từ dáng vẻ, màu men, họa tiết.

Chu Đậu từng là một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp của Việt Nam. Thôn Chu Đậu thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Theo tiếng Hán, Chu Đậu là thuyền đậu bến, nằm nép mình bên tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh của sông Lục Đầu, nơi thông thương với Thăng Long và ra biển rất thuận lợi.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt - Ảnh 1.

Thôn Chu Đậu thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Gốm Chu Đậu có niên đại khoảng thế kỷ XIII - XIV và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV – XVI nhưng sang thế kỷ XVII, do những biến động của lịch sử, gốm Chu Đậu đã bị thất truyền. Không ai biết đến dòng gốm độc đáo này cho đến khi một cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trông thấy chiếc bình trang trí hoa sen và cúc dây lưu giữ tại Viện Bảo tàng Takapisaray (thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Trên chiếc bình cổ có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút”, nghĩa là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt - Ảnh 2.

Kể từ đó, công cuộc tìm kiếm vết tích dòng gốm cổ Chu Đậu được mở rộng. Hàng vạn hiện vật được phát hiện ghi dấu một thời kỳ phát triển thịnh vượng của làng gốm Chu Đậu Hải Dương. Sản phẩm gốm Chu Đậu còn được tìm thấy ở các con tàu bị đắm ở vùng eo biển Philippines và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997. Tại đây hơn 340.000 hiện vật gốm Chu Đậu trong đó có khoảng 240.000 hiện vật còn nguyên vẹn đã được trục vớt, điều đó chứng tỏ, thời bấy giờ, gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu đi rất nhiều nước.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt - Ảnh 3.

Sau hàng trăm năm tưởng chừng chìm trong quên lãng, bằng nỗ lực chung tay của nhà khoa học, chính quyền, doanh nghiệp và các nghệ nhân, gốm Chu Đậu đã được hồi sinh trên chính quê hương Nam Sách với chất men tro trấu độc bản do người Việt Nam sáng tạo. Được làm từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên nhưng men gốm Chu Đậu lại vô cùng bền vững với thời gian. Lớp men tro còn tạo nên các vết rạn có hình dáng đặc biệt như xoáy đồng tiền, vết rạn chân chim… điều đó càng làm tăng tính độc đáo, tinh tế cho mỗi sản phẩm.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt - Ảnh 4.

Ngoài màu men, gốm Chu Đậu còn có hoa văn, họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhiều mẫu hoa văn, họa tiết vốn có niên đại hàng trăm năm đang được các nghệ nhân Chu Đậu nghiên cứu, phục chế lại sinh động. Đặc biệt, họa tiết trên gốm Chu Đậu được thực hiện bằng phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau nên màu sắc của gốm Chu Đậu mang nét riêng biệt, không bị hòa lẫn với các dòng gốm khác. Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt - Ảnh 5.

Ngoài các dòng sản phẩm gốm truyền thống (các loại bình); tâm linh (chân đèn, lư hương...); gia dụng (bát, chén, đĩa..), gốm Chu Đậu còn được “khoác” thêm những nét vẽ vàng tinh xảo. Các sản phẩm vẽ vàng kim được người tiêu dùng yêu thích bởi ngoài vẻ đẹp tinh tế, sang trọng còn mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc, hội tụ đủ yếu tố ngũ hành gồm Kim (vàng) – Mộc (men tro trấu) – Thủy (nước) – Hỏa (lửa) – Thổ (đất).

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gốm Chu Đậu trao đổi công việc với thợ gốm ở xưởng sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn gốm Chu Đậu, việc cải tiến mẫu mã sản phẩm trên cơ sở truyền thống kết hợp với hiện đại để tạo ra những dòng sản phẩm mang đặc trưng riêng, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo ra sự khác biệt là cách mà những người thợ gốm vừa gìn giữ, phát huy giá trị dòng gốm cổ, vừa đáp ứng nhu cầu không ngừng đổi mới của người tiêu dùng. Bằng tình yêu nghề, những nỗ lực sáng tạo và cải tiến về mẫu mã gốm, kết hợp với việc chú trọng làm du lịch làng nghề đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả trong quá trình phát triển thương hiệu gốm Chu Đậu.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt - Ảnh 7.

Hiện nay, gốm Chu Đậu đã khẳng định vị thế của mình, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, chinh phục những thị trường khó tính nhất. Bên cạnh đó, các sản phẩm gốm Chu Ðậu còn được chọn làm quà tặng nguyên thủ quốc gia trong một số sự kiện ngoại giao lớn; quà tặng của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước khi công du nước ngoài, góp phần mang bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt - Ảnh 8.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước