Hàng chục hồ chứa ở Trung Bộ, Tây Nguyên khô cạn, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/03/2024 20:23 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, 45 hồ chứa tại Trung Bộ, Tây Nguyên gần cạn nước, xấp xỉ mực nước chết. Nhiều hộ dân rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Giữa tháng 3, El Nino vẫn tác động đến nước ta, ngoài xâm nhập mặn gay gắt hơn ở phía Nam, khô hạn cũng là vấn đề đáng chú ý ở Trung Bộ và Tây Nguyên. Thực tế thời điểm này đã bắt đầu xảy ra khô hạn ở một số địa phương.

Hiện nay bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm khô hạn ở Tây Nguyên và Bình Thuận. Nguồn nước sụt giảm đáng kể, tính từ đầu mùa khô đến nay, lượng dòng chảy trên các sông đã thiếu hụt 20 - 60% so với mọi năm. Một số hồ, suối cũng đã cạn nước, gây ra tình trạng khô hạn cục bộ.

Nguồn nước cạn kiệt, lòng hồ trơ đáy là hình ảnh hiện nay ở suối Đắk Sôr - một trong những dòng suối lớn nhất của huyện Krông Nô. Gần 1.500 ha cây trồng đang khô héo dần vì thiếu nước.

Hàng chục hồ chứa ở Trung Bộ, Tây Nguyên khô cạn, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 1.

Đập trên suối Đắk Sôr đã khô cạn. (Ảnh: PLO)

Không chỉ nguồn nước tự nhiên, một số công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn cũng rơi vào tình trạng lượng nước sụt giảm sâu so với mọi năm.

"Nếu như cuối tháng 3, cuối tháng 4, đầu tháng 5 mà không có mưa thì đây là một trong những điều người dân lo lắng nhất. Diện tích hạn hán có thể xảy ra trên 20.000 ha đối với cây công nghiệp", ông Doãn Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, Đắk Nông, cho biết.

Hồ Đankia - Suối Vàng, nguồn cấp nước cho toàn TP Đà Lạt, nay cũng cạn khô và nứt nẻ, đe dọa nguồn nước tưới, nước sinh hoạt của TP Đà Lạt nếu khô hạn kéo dài.

Hiện mực nước trong hồ đang cao hơn cao trình ngừng phát điện hơn 1 m, nhưng gần 2 tuần nay, nhà máy thủy điện Ankroet đã ngừng phát điện để ưu tiên nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt.

Nơi rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong những ngày vừa qua là các hộ dân ở xã Đại Lào và Lộc Châu của TP Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Từ đầu mùa khô đến nay ở đây đều không có mưa, đến cao điểm khô hạn, lượng nước trên địa bàn giảm mạnh. Người dân đang phải đi xin hoặc mua nước nơi khác về dùng.

Nguyên nhân khô hạn ở Trung Bộ, Tây Nguyên

Mùa khô là mùa dễ xảy ra hạn hán, thiếu nước, nhưng không phải năm nào cũng xảy ra hạn vì còn phụ thuộc nhiều vào mưa và lượng nước tích trữ trong các hồ chứa phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Hàng chục hồ chứa ở Trung Bộ, Tây Nguyên khô cạn, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 2.

Hồ đầu nguồn Đankia - Suối Vàng (Lâm Đồng) khô cạn trơ đáy. (Ảnh: TTXVN)

So sánh ngay với năm ngoái, hiện tại dung tích các hồ chứa thủy lợi ở Trung Bộ, Tây Nguyên thấp hơn khoảng 6 - 9%. Trong đó có đến 634 hồ dung tích đã giảm xuống dưới 50% so với dung tích thiết kế. Đặc biệt, có đến 45 hồ gần cạn nước, xấp xỉ mực nước chết, tập trung ở các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Thực tế nguồn nước ở 2 khu vực này chủ yếu phụ thuộc vào mưa, không có thêm dòng chảy từ nước ngoài.

Theo thống kê từ đầu mùa khô đến nay, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên gần như không có đợt mưa trái mùa nào. Trời nắng khô kéo dài, nhiệt độ trung bình cao hơn mọi năm từ 0,5 - 1,5 độ C, do đó quá trình bốc hơi cũng diễn ra nhanh hơn. Nguồn cung không có, lượng nước hiện tại càng ngày càng bốc hơi dần nên dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước.

Hàng chục hồ chứa ở Trung Bộ, Tây Nguyên khô cạn, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 3.

Hồ Đankia - Suối Vàng có diện tích lòng hồ hơn 360 ha hiện đã khô cạn trơ đáy. (Ảnh: TTXVN)

Cảnh báo cao điểm khô hạn ở Trung Bộ, Tây Nguyên

Khả năng đến mùa mưa, tình hình khô hạn mới được cải thiện. Còn 1 - 2 tháng tới sẽ là giai đoạn cao điểm khô hạn.

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Dự báo mới nhất, khả năng từ tháng 6 trở đi El Nino mới suy yếu và chuyển dần sang pha La Nina với xác suất khoảng 55% - 60%.

Còn trong 1 - 2 tháng tới, hiện tượng El Nino còn tiếp diễn. Đây cũng là giai đoạn cao điểm mùa khô ở Trung Bộ và Tây Nguyên. Trời nắng nhiều và nóng hơn, nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm từ 0,5 - 1,5 độ C. Lượng mưa thiếu hụt 15 - 30%. Hệ quả là dòng chảy trên các sông sẽ giảm từ 15 - 50% so với cùng kỳ mọi năm. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông".

Cũng theo ông Phùng Tiến Dũng, từ cuối tháng 5, tình hình khô hạn ở Tây Nguyên sẽ giảm dần khi khu vực bước vào mùa mưa. Tuy nhiên, với khu vực Trung và Nam Trung Bộ, từ tháng 9 trở đi mới bước vào mùa mưa lũ chính vụ, do đó từ tháng 5 - 8, khô hạn có khả năng xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận.

"Như vậy tình hình hạn hán năm nay có thể gia tăng hơn năm 2023 nhưng không nghiêm trọng như mùa khô lịch sử năm 2015 - 2016", ông Dũng nhận định.

El Nino gây nắng nóng, khô hạn, cháy rừng El Nino gây nắng nóng, khô hạn, cháy rừng

VTV.vn - Tình trạng khô hanh do thiếu mưa, thời tiết nóng tại Bắc Bộ cùng với cao điểm mùa khô ở Nam Bộ và dự báo hiện tượng El Nino kéo dài đã gia tăng nguy cơ cháy rừng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước