Người dân hưởng lợi từ dịch vụ công trực tuyến

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 08/07/2022 20:53 GMT+7

VTV.vn - Với dịch vụ công trực tuyến, người dân chỉ cần ngồi nhà hay bất cứ đâu có mạng internet là có thể thực hiện được.

Thủ tục hành chính hay được dân gian nói rằng hành là chính, bởi thủ tục nhiêu khê, mất thời gian đi lại, thậm chí có những nơi còn phải có "bôi trơn" mới xong việc. Nhưng giờ đây, với dịch vụ công trực tuyến, mọi việc đã khác. Đặc biệt với một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, người dân chỉ cần ngồi nhà hay bất cứ đâu có mạng internet đã có thể thực hiện mà không cần phải đến cơ quan công quyền. Hiện nay, chúng ta có 25 dịch vụ công trực tuyến như vậy: từ đăng ký khai sinh, khai tử, hộ chiếu online, đăng ký kết hôn, đến nộp lệ phí vi phạm giao thông...

Năm nay là năm đầu tiên các thí sinh thi tốt nghiệp THPT không phải đăng ký dự thi trên giấy. Điều này trước đây vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót. Không còn phải điền hàng loạt giấy tờ như những năm trước, cũng không cần phải đi nộp hồ sơ, năm nay tất cả các thí sinh đều có thể đăng ký dự thi trên cổng dịch vụ công quốc gia, chỉ với vài thao tác trên điện thoại di động.

Hơn 1.100 thí sinh lớp 12 trên địa bàn TP Bắc Ninh đều đã được cấp thẻ căn cước công dân cùng mã định danh điện tử, nên các em mới có thể sử dụng dịch vụ này.

Người dân hưởng lợi từ dịch vụ công trực tuyến - Ảnh 1.

Cán bộ đội cơ động hướng dẫn người dân truy cập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại nhà. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, trên cổng dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 3.000 dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên Chính phủ đã quyết định trước mắt ưu tiên chọn 25 dịch vụ công trọng điểm thiết yếu để phục vụ người dân.

Trong số 25 dịch vụ công này, dịch vụ công đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia có tỷ lệ 91,78% người dùng thành công; thông báo lưu trú là 91,7% và đã có gần 40% các cơ sở y tế trên cả nước chấp nhận cho người bệnh sử dụng căn cước công dân có tích hợp thẻ bảo hiểm y tế.

Ngoài những dịch vụ công tỷ lệ người dân sử dụng cao, vẫn còn những dịch vụ người dân chưa mặn mà, ví dụ như: khai báo tạm trú chỉ 3%, đăng ký thường trú 2,8%, những dịch vụ liên quan đến đất đai, giấy tờ nhà đất cũng vậy.

Mặc dù các dịch vụ công thuận tiện và hiệu quả như vậy nhưng bước đầu triển khai vẫn còn những khó khăn với các đơn vị công an cấp phường. Chủ yếu khó khăn nằm ở hệ thống mạng nội bộ trục trặc. Người dân có thể phải gọi điện thoại, phải đến tận nơi hỏi thông tin và chờ đợi ở phường.

Anh Tùng ở Hà Nội làm thủ tục chuyển khẩu từ quận Cầu Giấy về quận Ba Đình trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi làm thủ tục, anh ra công an phường thì nhận được thông tin, hệ thống đường truyền mạng nội bộ đang lỗi, nên cán bộ xử lý không thể kiểm tra xem hồ sơ của anh còn thừa thiếu thông tin gì. Anh đành phải về và hôm khác quay lại.

Trong 1 ngày, hệ thống mạng Cổng dịch vụ có thể bị treo, nghẽn vài lần. Đây là tình trạng chung của nhiều phường trên địa bàn Hà Nội. Chưa hết, kết quả dịch vụ công trực tuyến được chuyển qua Zalo hay tin nhắn cho người dân lại không có dấu đỏ mà chỉ hiển thị mã QR và chữ ký số nên không được một số đơn vị chấp thuận.

Khắc phục những điểm nghẽn của dịch vụ công trực tuyến để thu hút đông đảo người dân sử dụng là mục tiêu cấp bách đặt ra thời gian tới.

Hiện còn nhiều người dân chưa quen với việc đăng ký trực tuyến các dịch vụ công. Để tăng tỷ lệ người dân sử dụng, lần đầu tiên tại Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình "Đội cơ động hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại nhà". Đã có 2 phường đầu tiên của Hà Nội triển khai thí điểm mô hình này.

Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà hướng dẫn người dân cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngay tại nhà. Đó là công việc của đội cơ động hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến phường Trúc Bạch.

Bên cạnh việc hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các thành viên trong đội cơ động cũng tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng tránh các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, giúp người dân biết: không cung cấp thông tin cá nhân hay tin vào những cuộc gọi lừa đảo thông báo trúng thưởng, được nhận quà tặng... Đặc biệt, người dân còn được tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử có tích hợp các dữ liệu thông tin.

Hà Nội hiện có hơn 8 triệu người dân. Đội cơ động hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã giúp giới thiệu các dịch vụ số đến đông đảo người dân, đem lại những giá trị thiết thực cho họ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước