Nhiều khó khăn với nhóm cộng đồng xét nghiệm HIV

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 26/08/2023 01:04 GMT+7

VTV.vn - Tự ý lấy mẫu máu của các em học sinh dưới 15 tuổi tại Hải Phòng để xét nghiệm HIV, một nhóm Tổ chức cộng đồng, tự lực đã bị phạt tiền 7,5 triệu đồng.

Hiện cả nước có hơn 50 nhóm Tổ chức cộng đồng kiểu này đang hoạt động, nhưng do họ là cơ sở thiện nguyện, tự nguyện - nên không có đăng ký hành nghề và tư cách pháp nhân. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về hoạt động của nhóm, nếu vi phạm phát luật?

Phải quản lý các nhóm này ra sao để vừa huy động được nguồn lực từ cộng đồng trong phát hiện và điều trị HIV/AIDS, vừa đảm bảo quyền và lợi ích của các bên?

Tổ chức dựa vào cộng đồng, hay các nhóm tự lực tham gia các hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS diễn ra nhiều năm nay. Nhưng chỉ khi xảy vụ việc cuối tuần trước tại Hải Phòng thì nhiều người mới biết đến công việc của các nhóm này.

Tự ý lấy mẫu máu của các em học sinh dưới 15 tuổi tại Đồ Sơn - để xét nghiệm HIV, trưởng một nhóm tự lực đã bị xử phạt số tiền là 7,5 triệu đồng.

Thực tế là tổ chức này đã hoạt động xã hội - từ lâu trên địa bàn, có nhiệm vụ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng.

Theo thông tin của CDC Hải Phòng, từ 1/1/2023 đến 18/8/2023: nhóm Bông hồng đen đã tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho 204 người, kết quả: không có mẫu nào dương tính với HIV.

KHÓ KHĂN CỦA NHÓM CỘNG ĐỒNG TRONG VIỆC XÉT NGHIỆM HIV

Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2020 Điều 20 quy định "Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ".

Hai cách xét nghiệm được sử dụng là lấy máu đầu ngón tay, và xét nghiệm bằng dịch miệng - thì đều đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến khích thực hiện tại cộng đồng. Bộ Y tế cũng đã khẳng định các xét nghiệm này an toàn tuyệt đối.

Nhiều khó khăn với nhóm cộng đồng xét nghiệm HIV - Ảnh 2.

Thế nhưng thực tế, công tác xét nghiệm HIV dựa vào tổ chức cộng đồng còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong 15 nhóm tự lực mà Viện Nghiên cứu phát triển xã hội trực tiếp phụ trách chỉ 5 nhóm có tư cách pháp nhân khi thành lập các doanh nghiệp xã hội. Các nhóm còn lại hoạt động tự phát.

CÁC NHÓM CỘNG ĐỒNG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS Ở THÁI LAN

Dù còn nhiều khó khăn trong việc quản lý và triển khai, tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò quan trọng các nhóm cộng đồng trong phát hiện và điều trị HIV trong cộng đồng tại Việt Nam những năm gần đây.

Trong khu vực, tại Thái Lan. Nhờ sự tham gia tích cực của các nhóm cộng đồng, nước này đã phát động thành công nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV và tình dục an toàn.

Các tình nguyện viên này đang truyền đạt thông tin cơ bản về tình dục an toàn cho các nhân viên chuyển giới làm việc tại một quán rượu ở Bangkok, Thái Lan. Là thành viên của Hiệp hội Bầu trời Cầu vồng Thái Lan, những tình nguyện viên này luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu vượt qua sự kỳ thị và phân biệt đối xử để tiếp cận những người có nguy cơ cao nhất.

Mới đây nhất, Thái Lan đã cho triển khai chiến dịch dành cho phụ nữ chuyển giới nhằm mục đích tăng cường sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV PrEP.

Chiến dịch đã thu hút sự tham gia của nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, những người viết nội dung trên mạng xã hội và những người có tiếng nói trong cộng đồng người chuyển giới.

Mục tiêu của chiến dịch là bình thường hóa việc sử dụng thuốc PrEP và thúc đẩy việc tiếp tục sử dụng thuốc.

Kết quả là gần một nửa số phụ nữ chuyển giới ở Thái Lan đã không cần quay lại thăm khám hàng tháng sau khi bắt đầu thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV PrEP.

Chiến dịch này đã tạo được tiếng vang và được chia sẻ rộng rãi ở Thái Lan cũng như các nước lân cận. Với thành công trên, nhà chức Thái Lan kỳ vọng đây sẽ không phải là chiến dịch cuối cùng và có thể đóng vai trò là hình mẫu cho các chiến dịch trong tương lai, tập trung vào các nhóm đối tượng quan trọng khác.

Nhiều khó khăn với nhóm cộng đồng xét nghiệm HIV - Ảnh 3.

Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS đã đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90; tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Nghĩa là chỉ còn chưa đến 2 năm.

Một trong những biện pháp để hoàn thành mục tiêu là mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Nếu không có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự thấu hiểu và chung tay của cả cộng đồng, thì các mục tiêu này rất khó để hoàn thành.

Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước