Thay đổi quan điểm chống dịch, tiến tới coi COVID-19 là bệnh lưu hành

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 08/03/2022 18:48 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đang dần thay đổi quan điểm chống dịch COVID-19, tiến tới xem đây là một bệnh lưu hành, với những đánh giá kỹ càng từ ngành y tế.

Hướng đến sống chung với dịch bệnh

Tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng lớn, hệ thống y tế bắt đầu thích ứng với mô hình dịch bệnh.

Đến nay, sau 3 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nước đang cố gắng "sống chung với COVID-19".

Đầu tháng 2 vừa qua, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu chấm dứt mọi luật lệ liên quan đến virus SARS-CoV-2.

Thay đổi quan điểm chống dịch, tiến tới coi COVID-19 là bệnh lưu hành - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Theo quan điểm của Chính phủ Đan Mạch và suy nghĩ của đại đa số người dân, virus SARS-CoV-2 không còn được coi là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội". Số ca nhiễm vẫn cao nhưng người Đan Mạch đã sẵn sàng bước tiếp. Ngay cả khi có kết quả dương tính, người mắc không còn có nghĩa vụ pháp lý phải tự cách ly.

Tiếp sau Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và nhiều quốc gia châu Âu cũng chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch COVID-19 vào đầu tháng 4 này.

Tây Ban Nha cũng nằm trong số các quốc gia kêu gọi cách tiếp cận xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, có nghĩa là sẽ có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ hơn mà nhân loại có thể sống chung như bệnh cúm.

Tại châu Á, Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết họ có kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trong vòng 3 tháng tới.

Theo báo Bangkok Post, hướng dẫn để tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu của Bộ Y tế công cộng Thái Lan gồm có ba tiêu chí: số ca mắc mới theo ngày phải dưới 10 nghìn ca, tỉ lệ tử vong không cao hơn 0,1% số người nhập viện vì COVID-19 và hơn 80% người có nguy cơ cao mắc bệnh đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine.

Về lý thuyết, đại dịch có thể coi là đã qua đi khi các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 không còn được xếp vào mức khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, đến nay, các tiêu chí để đưa ra quyết định này chưa được xác định chính xác.

Từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh

Còn tại Việt Nam, phát biểu trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, tiến tới từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh.

Thực tế những tuần gần đây, chúng ta không công bố ca mắc, giảm thời gian cách ly của F0 và F1, bỏ một số quy định xét nghiệm, phân bổ thuốc kháng virus đến hệ thống nhà thuốc... Đây là các động thái cho thấy Việt Nam đang dần thay đổi quan điểm chống dịch COVID-19. Với những thay đổi đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cần nghiên cứu, tiến tới xem COVID-19 là bệnh lưu hành và để làm được điều này, phải có các yếu tố đánh giá kỹ càng từ ngành y tế.

Thay đổi quan điểm chống dịch, tiến tới coi COVID-19 là bệnh lưu hành - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia y tế, muốn xem COVID-19 là bệnh lưu hành phải đáp ứng 2 yếu tố của bệnh truyền nhiễm nhóm A là bệnh không có khả năng lây lan nhanh và gây tử vong cao.

Lấy TP Hồ Chí Minh làm ví dụ, sau một thời gian dài chống dịch, rất nhiều người dân TP đã có miễn dịch tự nhiên. Đồng thời, tỷ lệ tiêm chủng cũng khá cao, người dân có thể tiếp cận với chăm sóc y tế nên tỷ lệ tử vong cũng giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nguy cơ.

Thêm vào đó, thay đổi quan niệm về dịch COVID-19 phải có sự thống nhất thực hiện từ các nơi như xét nghiệm, cách ly. Hiện yêu cầu này đã không còn quá khắt khe như trước nhưng ở mỗi nơi lại có yêu cầu riêng, dẫn tới người dân băn khoăn, khó hiểu. Khi có sự thống nhất, ngành y tế mới có thể tập trung dồn sức củng cố khối điều trị và chăm sóc.

Cũng theo các chuyên gia, sau Omicron sẽ khó dự đoán có thêm biến chủng nào khác xuất hiện tạo nên những làn sóng dịch mới. Việt Nam vẫn cần thêm thời gian để đánh giá, hoàn thiện các hệ thống phòng chống dịch, phấn đấu trong tương lai chuyển từ thích ứng linh hoạt sang trạng thái bình thường.

Đáp ứng điều trị COVID-19 song song các bệnh lý khác

Nâng cao năng lực điều trị cho các cơ sở y tế, hướng tới chủ động linh hoạt điều trị COVID-19 song song với điều trị các bệnh lý khác, giải pháp này được cho là phù hợp để ứng phó với trạng thái "bình thường hóa" dịch bệnh mà Thủ tướng đã yêu cầu.

Tại Hà Nội, để làm được điều này, các bệnh viện trên địa bàn thành phố khi được huy động tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đã rất nỗ lực và chủ động đáp ứng. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều cơ sở y tế hoàn toàn đáp ứng tốt việc chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 đồng thời với các bệnh lý khác.

Thay đổi quan điểm chống dịch, tiến tới coi COVID-19 là bệnh lưu hành - Ảnh 3.

Tháng 12/2021, thời điểm số ca mắc COVID-19 ghi nhận tăng nhanh, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã giao cho BV Tim Hà Nội tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở tầng 1, sau đó là tầng 2, tức là F0 có bệnh lý tim mạch. Ngay lập tức, bệnh viện phải khẩn trương chuyển trạng thái.

Bệnh viện nhanh chóng lập kế hoạch phân ra các khu điều trị riêng và nhanh chóng xây dựng quy trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19 một cách hiệu quả, an toàn và phối hợp nhịp nhàng với bệnh viện tầng 3 để hỗ trợ xử lý ngay khi bệnh nhân chuyển nặng.

Bản thân người có bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, đặt stent mạch vành, trụy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp có nguy cơ đột quỵ não... lại càng là đối tượng nguy cơ cao khi mắc COVID-19.

Ghi nhận trong 1 tuần gần đây, số bệnh nhân đang điều trị ở khu tầng 2 của BV Tim Hà Nội chuyển nặng đã giảm hơn 20%. Cách đây 3 tháng, thường 1/3 bệnh nhân tầng 2 trở nặng phải chuyển lên tầng 3 nhưng gần đây cũng giảm chỉ còn khoảng 5%. Trong tuần này, khoảng 90 bệnh nhân đang điều trị thì chưa đến 10 người phải thở máy.

Có được những chuyển biến tích cực này là do tỷ lệ tiêm chủng hiện rất cao, kiến thức, thuốc và phương pháp điều trị bệnh lý này đã được cập nhật tới tận tuyến cơ sở và nhân dân nên xử lý ban đầu tốt, y tế cơ sở phát huy hiệu quả, điều trị tại nhà đạt kết quả tích cực.

Tại Hà Nội, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng những tuần gần đây, có ngày đã ở mức 30.000 ca/ngày và dự báo có thể đạt đỉnh dịch trong 2 tuần tới. Áp lực đặt ra cho các cơ sở điều trị là rất lớn. Việc tăng cường năng lực, chuyển hướng điều trị song song bệnh COVID-19 với các bệnh lý khác tại bệnh viện sẽ là giải pháp khả thi, hướng đến bình thường hóa dịch bệnh trong tương lai không xa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước