Xây cầu Mã Đà nối Bình Phước với Đồng Nai: Đề xuất tránh làm đường qua vùng lõi

Lê Hải-Thứ năm, ngày 05/05/2022 10:49 GMT+7

Đường bảo vệ rừng ở vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai

VTV.vn - Việc xây cầu nối Bình Phước với Đồng Nai giúp phát triển kinh tế, kết nối vùng kinh tế trọng điểm tốt hơn tuy nhiên, nên làm đường tránh vùng lõi để bảo vệ rừng.

Để giúp kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành cũng như hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải tốt hơn cho việc phát triển kinh tế trong thời gian tới, mới đây, tỉnh Bình Phước đã xin chủ trương xây cầu nối giữa Bình Phước với Đồng Nai qua sông Mã Đà, trong đó có phương án xây cầu và đường đi thẳng qua đường giữa Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Tuy nhiên, phương án xây cầu và đường nếu đi xuyên vùng lõi khu bảo tồn lớn của tỉnh Đồng Nai nhận được nhiều ý kiến lo ngại sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó có việc giữ rừng.

Để tìm hiểu kĩ, phóng viên VTV News đã có mặt tại tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang - đường ĐT.761, dự kiến sẽ nâng cấp thành quốc lộ 13C, đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, đến quốc lộ 1 khi xây cầu kết nối Bình Phước. Ông Nguyễn Văn Phước - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai chỉ cho phóng viên con đường đất trước mặt với các hàng rào ngăn phương tiện đi lại giữa rừng và chia sẻ: "Với gần 40 km đường xuyên vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, dự kiến lưu lượng xe rất nhiều, nên khó khăn đầu tiên với chúng tôi chính là việc kiểm soát, bảo vệ rừng và các giá trị liên quan".

Ông Phước cho biết, hiện con đường này chúng tôi đang có 5 trạm kiểm soát nhưng vẫn rất vất vả để bảo vệ rừng. Trong khi đó, thời gian tới, nếu đường đi qua đây, các rào chắn sẽ bị tháo bỏ, lực lượng mỏng mà các đối tượng giả danh, trà trộn thì nguy cơ rừng bị phá, lâm sản bị thất thoát hoàn toàn có thể xảy ra. 

Ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cho biết thêm: "Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai là một trong ba địa điểm của Việt Nam đang trong diện bảo tồn đặc biệt loài Voi châu Á cùng với tỉnh Nghệ An và Đắk Lắk. Ngoài ra, khu bảo tồn còn có số lượng đàn bò tót rất lớn. Nếu con đường đi qua, lo ngại nguy cơ ảnh hưởng đến rất nhiều động vật quý hiếm hiện hữu ở đây. Khi xe cộ đi qua nhiều, tiếng ồn rất lớn các loại động vật sẽ sợ hoặc bị ảnh hưởng, rồi việc qua lại giữa lõi rừng sẽ khó khăn và tai nạn cho động vật nguy cơ liên tục xảy ra. Chỉ cần một số loài nguy cơ mất đi thì ảnh hưởng loài khác bởi quy luật loài này mất, loài kia cũng sẽ mất theo hoặc ảnh hưởng theo. Trong khi đó, phải mất cả trăm năm, nghìn năm mới giữ gìn, gây dựng, bảo vệ được các giá trị quý này.

Theo tìm hiểu của VTV News, từ năm 2014, tỉnh Đồng Nai đã đóng con đường dọc lõi Khu bảo tồn và trước đó đã tiến hành trồng mới rất nhiều loại cây gỗ quý như đinh hương, cây sao, dầu, cẩm lai, cây gõ đỏ, trắc, giáng hương…để phục hồi rừng tự nhiên. Chưa kể đây còn là lá phổi xanh, khu dự trữ nước ngọt cho cả vùng Đông Nam Bộ với hồ Trị An rộng tới hơn 32.000 ha.  Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều phương án để làm đường kết nối Bình Phước với Sân bay Long Thành mà không nhất thiết đi qua vùng lõi Khu bảo tồn. 

Ông Trần Văn Mùi – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vườn Quốc gia khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cũng là nguyên Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai chia sẻ: "Trong các phương án, tôi thấy rõ ràng có phương án 2 là rất ổn, đó là vẫn làm đường kết nối nhưng mà đi vòng qua một số huyện của Bình Dương, chỉ dài hơn một số km, nhưng đổi lại giúp thúc đẩy phát triển tại địa phương; đồng thời lại giữ nguyên vẹn rừng là một điều quá hợp lý. Trong khi rừng nếu mất sẽ rất khó và cần quá nhiều thời gian để phục hồi".

Xây cầu Mã Đà nối Bình Phước với Đồng Nai: Đề xuất tránh làm đường qua vùng lõi - Ảnh 1.

Vị trí dự kiến xây cầu Mã Đã kết nối Bình Phước đi xuyên vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn Hóa Đồng Nai

Ông Nguyễn Hoàng Hảo cũng đồng tình với phương án làm đường tránh Khu bảo tồn. Ông Hảo cho biết: Khu bảo tồn không chỉ có giá trị vô giá về mặt bảo vệ rừng, đây cũng là khu vực có rất nhiều giá trị lịch sử với  việc đây là nơi đầu tiên hình thành Trung ương Cục Miền Nam, chưa kể hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống hy sinh tại đây. Nên nếu ước lượng giá trị bị mất khi làm đường xuyên Khu bảo tồn là giá trị vô giá, không thể cân đo đong đếm được.

Được biết, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai cũng đã và đang quyết tâm di dời khoảng 400 hộ dân cuối cùng khỏi lõi Khu bảo tồn để bảo vệ rừng cho hiệu quả hơn. Giờ nếu có con đường quốc lộ đi qua vùng lõi khu bảo tồn, không chỉ các chứng nhận thế giới công nhận bị ảnh hưởng, mà toàn bộ nỗ lực giữ rừng nhiều năm qua của bao thế hệ cha ông cũng bị ảnh hưởng nhiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước