Tổng Bí thư: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào

Phương Mai, Lê Tuấn, Việt Thanh-Thứ tư, ngày 16/08/2023 19:51 GMT+7

VTV.vn - Sáng 16/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo.

Nội dung phiên họp là cho ý kiến về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay; xác định nhiệm vụ công tác trọng tâm thời gian tới.

Tổng Bí thư: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Trong thời gian qua, hoạt động của Ban Chỉ đạo ngày càng nề nếp, bài bản, kinh nghiệm, hiệu quả, uy tín ngày càng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, đạt nhiều kết quả toàn diện, có bước đột phá mới cả ở Trung ương và địa phương; góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; được cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng tin tưởng, ủng hộ, quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Nổi bật là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã ban hành nhiều văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng tiêu cực. Việc xuất bản, quán triệt Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, được đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã tổ chức 3 Hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng tiêu cực; ban hành trên 100 văn bản trong lĩnh vực này (tăng 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng).

Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 335 nghị định, 86 quyết định; các bộ, ngành ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào - Ảnh 2.

Đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ.

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 165.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2022); kiến nghị xử lý trách nhiệm 784 tập thể, 2.912 cá nhân.

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án đã chuyển hơn 320 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).

Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII), hơn 1.700 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra (tăng gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

Điểm mới trong nhiệm kỳ này là đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách; trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Tổng Bí thư: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Đến nay, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên cả nước đã khởi tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị can so với cùng kỳ năm 2022). Riêng các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 7 vụ án/37 bị can, khởi tố bổ sung 149 bị can trong 15 vụ án; kết thúc điều tra 7 vụ án/107 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 2 vụ án/34 bị can.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng); hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trên diện rộng, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý; điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong các vụ án xảy ra tại Công ty AIC và một số địa phương, tạo bước đột phá trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã thu hồi được gần 2.100 tỷ đồng trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII); trong đó đã thu hồi được nhiều tài sản tẩu tán ra nước ngoài.

Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương đã bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố 419 vụ án/1.324 bị can về tội tham nhũng (tăng 252 vụ án/989 bị can so với cùng kỳ năm 2022).

Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể là trong 6 tháng đầu năm nay, đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp. Còn tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng tiêu cực, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.

Về công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã đăng tải 12.831 tin, bài (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Còn từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã đăng tải 29.678 tin, bài (tăng gần gấp 3 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).

Ban Chỉ đạo đã thành lập 8 đoàn kiểm tra về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh, khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung giám sát nhiều chuyên đề liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Tổng Bí thư: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Từ kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến những hạn chế, vướng mắc là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản; khẩn trương ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2023, kết thúc điều tra 7 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 11 vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhất là tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC, giai đoạn II vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

Tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu triển khai kiểm tra chuyên đề về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân; kiên quyết khắc phục tệ "tham nhũng vặt", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước