Vừa phải đáp ứng nhu cầu, vừa phải "giữ chân" người lao động trong bảo hiểm xã hội

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 23/11/2023 14:04 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã có giải trình về vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần trước nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau của các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 23/11 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến về vấn đề rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Theo dự thảo luật, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

+ Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

+ Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Phương án nào để đảm bảo quyền lợi của người lao động?

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án 1. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, người lao động coi bảo hiểm xã hội là quyền tài sản, là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động, cống hiến và tích lũy của cá nhân. Vì vậy, người lao động phải được quyền quyết định đối với tài sản của họ. Bất cứ điều chỉnh chính sách đều sẽ gây tâm lý hoang mang và người lao động chưa sẵn sàng để đón nhận.

Vừa phải đáp ứng nhu cầu, vừa phải giữ chân người lao động trong bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Tráng A Dương (tỉnh Hà Giang) cũng đánh giá phương án này đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, không ít đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án 2.

Đại biểu Trần Khánh Thu (tỉnh Thái Bình) thống nhất với phương án 2 vì vừa đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét việc xác định phần kinh phí cho rút 1 lần. Đó là chỉ được rút phần kinh phí người lao động đóng, không tính phần người sử dụng lao động hay ngân sách nhà nước đóng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang) thì phân tích, quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp.

Vừa phải đáp ứng nhu cầu, vừa phải giữ chân người lao động trong bảo hiểm xã hội - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang)

Tuy nhiên, nếu chọn phương án 2 người lao động vẫn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động.

"Việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống" – đại biểu Cầm cho biết.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) lại đưa ra phương án trung gian. Theo đó, khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng. Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH.

Đại biểu Thịnh cho rằng, nên có giải pháp trung gian như vậy, cùng với các chính sách khác, chúng ta sẽ hấp dẫn được người lao động bằng các lợi ích chứ không nên giữ chân người lao động tham gia BHXH bằng các hạn chế.

Vừa phải đáp ứng nhu cầu, vừa phải giữ chân người lao động trong bảo hiểm xã hội - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang)

Không nên phân biệt người đóng BHXH trước hay đóng sau

Giải trình tại phiên thảo luận về vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.

Bộ trưởng cho biết, có nhiều nguyên nhân việc rút bảo hiểm gặp khó khăn. Do đó, để có đưa ra phương án bảo hiểm xã hội một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội là vẫn có quyền rút bảo hiểm xã hội. Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu đảm bảo cuộc sống.

Vừa phải đáp ứng nhu cầu, vừa phải giữ chân người lao động trong bảo hiểm xã hội - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, chỉ có ưu điểm mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn.

"Việc hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là người lao động có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi Luật có hiệu lực" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước ý kiến một số đại biểu nêu nhiều về vấn đề mức cho rút khác nhau, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ thêm về phương án 2 mà Ban soạn thảo đưa ra. Theo đó, "50-50" là thời gian đóng chứ không phải mức đóng. Để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội. Khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng.

"Phương án này vẫn được đảm bảo quyền của người tham gia là được rút bảo hiểm 1 lần. Đảm bảo công bằng trước và sau khi Luật có hiệu lực. Thứ 2 là phù hợp với khuyến nghị với các tổ chức quốc tế. Thứ 3 là giữ chân người lao động"- Bộ trưởng lý giải vì sao Ban soạn thảo chọn phương án 50-50.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, số kinh phí khi rút tương đương với số đóng của người lao động là 8% tiền lương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước