Doanh nghiệp dệt may và bài toán phục hồi xuất khẩu

Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự-Chủ nhật, ngày 14/05/2017 19:33 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 10% trong năm 2017.

Ngành dệt may hiện có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động. Đây được đánh giá là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khác với kết quả tăng cao liên tục về kim ngạch của một số năm trước, từ năm 2016 đến nay, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước những bất lợi từ thị trường, năm 2016, ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,6%. So với kết quả đạt được trong 10 năm trở lại đây, đây là tăng trưởng thấp nhất toàn ngành, ngoại trừ năm 2008 khi có khủng hoảng kinh tế thế giới.

Các doanh nghiệp trong ngành liên tiếp phải đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường xuất khẩu và chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Hàng dệt may Việt Nam gặp bất lợi lớn do phải chịu mức thuế xuất cao hơn so với các nước khác. Các doanh nghiệp đã phải tìm nhiều cách để duy trì khách hàng và thị trường.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 mặc dù thấp hơn so với kỳ vọng, nhất là trong điều kiện Việt Nam triển khai nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, song nếu đem so với tổng cầu của thế giới và các quốc gia cạnh tranh khác, kết quả tăng trưởng của dệt may Việt Nam trong năm 2016 lại là mức tăng trưởng cao nhất trong top 5 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, để đạt được kết quả trên, các doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực hết sức trong việc cải tiến, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí giá thành, nhất là trong điều kiện một số chi phí cơ bản trong nước tiếp tục tăng.

"Việc doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được 6 tháng cuối năm 2016 và quý I năm 2017 trong điều kiện kinh tế của Việt Nam, theo tỷ giá, lãi suất của Việt Nam và các yêu cầu đầu vào, chế độ chính sách của Việt Nam được đánh giá là mang tính sáng tạo, có nhiều thành tựu và trở thành bài học để nâng cao năng lực cạnh tranh hơn".

"Từ kết quả quý I năm 2017, trong năm nay, ngành dệt may sẽ phấn đấu tăng trưởng trên 10%. Đó là mục tiêu nhìn từ dự báo cho năm 2017. Trong đó, ngành tập trung vào khai thác cao nhất hiệu suất của tài sản cố định đã đầu tư, chưa đầu tư vội, nhanh những khu vực mới. Tiếp đó, tập trung đầu tư mới thay thế để tạo ra công nghệ cao hơn".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước