Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Thận trọng và không nên lạc quan quá mức!

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 29/07/2023 12:23 GMT+7

VTV.vn - Trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng không nên lạc quan quá mức và không nên coi đây là cơ hội dài hạn.

Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 40% gạo xuất khẩu toàn cầu, tuần qua đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng không thuộc giống basmati.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường làm dấy lên lo ngại thiếu hụt sản lượng. Đây được xem là biện pháp mở rộng hơn so với lệnh cấm xuất khẩu gạo được New Delhi ban hành tháng 9/2022. Như vậy, gần 60% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị tác động từ lệnh cấm xuất lần này.

"Lệnh cấm xuất khẩu này kéo dài hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất phụ thuộc vào sản lượng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu. Thứ hai phụ thuộc vào chỉ số giá bán lẻ, chỉ số giá tiêu dùng các mặt hàng lương thực nói chung, trong đó có mặt hàng lúa gạo. Thứ 3 là các yếu khách quan khác. Chính phủ Ấn Độ có thể cho phép xuất khẩu qua hình thức giữa chính phủ với chính phủ. Đối với việc đảm bảo an ninh lương thực cho một số nước Chính phủ Ấn Độ có thể xem xét áp dụng việc này", ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết.

Như vậy, lệnh cấm này kéo dài đến bao giờ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, động thái này của Ấn Độ đã ngay lập tức có những ảnh hưởng nhất định lên thị trường gạo trên thế giới.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Thận trọng và không nên lạc quan quá mức! - Ảnh 1.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ kéo dài đến bao giờ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định: "Thị trường lương thực thế giới hiện rất đang căng thẳng do xung đột giữa Nga và Ukraine, cộng thêm tình hình thời tiết không thuận ở nhiều nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn. Do đó quyết định cấm xuất khẩu của Ấn Độ chắc chắn sẽ tác động rất mạnh đến thị trường lương thực thế giới. Giá gạo xuất khẩu của nhiều nước đã tăng liên tục trong những ngày qua".

"Tuy nhiên về dài hạn, chúng tôi rất lo ngại về cái quyết định này của Ấn Độ, vì nó cho thấy một sự mong manh của cơ chế thương mại toàn cầu hiện nay, có thể gây mất lòng tin vào hệ thống thương mại toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới hầu như bất lực trước quyết định này của Ấn Độ.

Khi đã mất lòng tin vào hệ thống thương mại toàn cầu, mất lòng tin vào chuỗi cung ứng gạo, lúc đó tất cả các nước sẽ có những biện pháp để bảo vệ chính mình. Thứ nhất là họ tăng cường sản xuất lúa gạo. Thứ hai là người ta có thể đưa ra những biện pháp để kiểm soát nhập khẩu gạo trong tương lai một cách chặt chẽ hơn. Xuất phát từ đó có thể thấy tác động dài hạn cho thị thị trường gạo là có. Chúng tôi cũng rất lo ngại về những cái tác động dài hạn đó", ông Trần Quốc Khánh cho biết.

Thái Lan lo ngại Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo

Hiện giá gạo thế giới đang dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua. Dự báo giá gạo còn có thể tăng cao. Tuy nhiên cảnh báo lo ngại về thị trường giá gạo cũng đã được đưa ra, trong đó có Thái Lan.

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, lệnh cấm của Ấn Độ có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của nước này trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động. Điều này có thể dẫn đến giá gạo nội địa có thể tăng 10%.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021, từ mức 515 USD/tấn vào tuần trước.

Một số thương nhân tại Thái Lan và Singapore dự báo, giá gạo có thể tăng thêm từ 50 - 100 USD/tấn, hoặc hơn nữa trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp thận trọng khi giá lúa gạo tăng mạnh

Tại thị trường trong nước, theo ghi nhận trên website của Hiệp hội Lương thực Việt Nam vào ngày 27/7, giá gạo xuất khẩu 5% tấm được chào bán ở ngưỡng 558 USD/tấn. Theo nhiều nhà quan sát, đây là mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa cũng tăng và thị trường gạo nội địa cũng khá sôi động.

Phóng viên của VTVMoney cũng đã liên hệ với Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Quan điểm của Hiệp hội và phần lớn các doanh nghiệp trong giai đoạn này là thận trọng trong việc ký các hợp đồng, trước diễn biến giá lúa trong nước tăng cao.

Về tác động tích cực, hiện giá lúa tươi đang tăng cao sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Theo các doanh nghiệp, điều này sẽ có lợi cho nông dân khi Việt Nam đang bắt đầu vụ thu hoạch Hè Rhu từ nay đến hết tháng 9. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, sẽ xuất hiện những rủi ro.

"Giá lúa tươi tại ruộng hiện nay 6.600 - 6.800 đồng một kg lúa tươi, so với hơn 500 USD/tấn gạo thì nó lỗ rồi. Vì giá xuất khẩu không theo kịp giá lúa nên các doanh nghiệp đang hạn chế, dừng lại để lo hoàn thành các hợp đồng đã ký chưa dám ký mới", ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho hay.

Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi hoặc Indonesia ký hợp đồng với giá khá thấp, khoảng dưới 500 USD/tấn. Do vậy, những doanh nghiệp chưa thu mua được hàng sẽ gặp những khó khăn nhất định.

"Hiệp hội và các doanh nghiệp cần có thông tin kịp thời. Thứ hai, trước mắt, các doanh nghiệp nên tập trung vào mua hàng trước sau đó mới xem xét xuất khẩu", ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ để chế biến các sản phẩm từ gạo. Khi việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ gặp khó khăn, để duy trì chế biến, các doanh nghiệp sẽ phải mua gạo trong nước. Giá gạo trong nước sẽ bị ảnh hưởng.

"Khi giá thị trường có lợi cho xuất khẩu, các doanh nghiệp thường ồ ạt xuất khẩu, như vậy có thể thiếu nguồn hàng trong nước. Hiện nay Ấn Độ dừng nên chúng ta sẽ hụt lượng hàng khá lớn cho thị trường tiêu dùng, chế biến trong nước. Các doanh nghiệp cần cố gắng có lượng thu mua ổn định, hạn chế bán ra thì mới đảm bảo thị trường trong nước ổn định", ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Tính đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ thu hoạch khoảng 80% so với cùng kỳ, tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Vì vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định sản lượng lúa thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn dư địa gia tăng mạnh khi vụ Hè Thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 8. Vì vậy, VFA cho rằng các doanh nghiệp nên mua vào hỗ trợ người nông dân và hạn chế bán ra.

Không nên lạc quan quá mức và coi đây là cơ hội dài hạn

Theo ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, người nông dân đang có lợi nhuận tốt nhất từ trước đến nay.

"Chúng ta cũng rất vui mừng với bà con nông dân. Tuy nhiên, cả nhà nước cũng như doanh nghiệp đều đang thận trọng. Điều này đúng, bởi đây là một hiện tượng ngắn hạn. Khi thời tiết khôi phục trở lại bình thường và các nước tăng cường sản xuất lúa gạo, đặc biệt khi Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm trong tương lai, thị trường sẽ quay trở lại quỹ đạo thông thường nên mình vui cho nông dân".

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Thận trọng và không nên lạc quan quá mức! - Ảnh 2.

Tính từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng không nên lạc quan quá mức và cũng không nên coi đây là một cơ hội dài hạn, để từ đó tăng sản xuất, tăng xuất khẩu.

"Tôi không nghĩ đây là một cơ hội dài hạn vì nó là một quyết định trong ngắn hạn của Ân Độ. Trên tất cả, chúng ta vẫn nên thận trọng, vì trong trường hợp chúng ta không thể nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nữa, khi hàng năm chúng ta nhập khẩu từ 700.000 đến 1 triệu tấn, trong đó hơn 700.000 tấn là từ Ấn Độ, nhưng hiện Ấn Độ không xuất khẩu nữa thì nguồn đó được bù đắp từ đâu cũng là cả vấn đề. An ninh lương thực không chỉ là lương thực để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. An ninh lương thực còn có nhu cầu cho các ngành sản xuất khác, ví dụ như làm bún, bánh, thức ăn gia súc...

Do đó, với tổng nhu cầu trong nước như vậy, nếu bây giờ chúng ta không cẩn thận, xuất khẩu quá mức thì tôi e rằng an ninh lương thực trong nước cũng bị ảnh hưởng. Cơ hội là ngắn hạn, thách thức cũng có, rủi ro cũng có nên tôi cho rằng cả doanh nghiệp, người nông dân và nhà nước nên thận trọng", ông Khánh nhận định.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trị giá bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ gần 490 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo thu về gần 2,4 tỷ USD Xuất khẩu gạo thu về gần 2,4 tỷ USD

VTV.vn - Đến nửa đầu tháng 7, cả nước đã xuất gần 4,5 triệu tấn gạo, thu về gần 2,4 tỷ USD, tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước