Thị trường đợi tin từ các ngân hàng trung ương

VTV Digital-Thứ hai, ngày 24/07/2023 14:16 GMT+7

VTV.vn - Sự chú ý của giới đầu tư trong tuần giao dịch mới sẽ đổ dồn vào cuộc họp chính sách sắp diễn ra của các ngân hàng trung ương lớn tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Phố Wall chờ đợi tín hiệu lãi suất từ FED

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mở màn với cuộc họp chính sách trong 2 ngày 25 - 26/7. Đây được coi là cuộc họp quan trọng, có thể định hình lộ trình chính sách của ngân hàng trung ương này trong phần còn lại của năm 2023.

FED được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % trong cuộc họp tháng 7, qua đó đẩy lãi suất tại Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2001. Đó là điều giới đầu tư Phố Wall đang gần như chắc chắn. Theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng này hiện lên tới 99,2%.

"Các công cụ theo dõi thị trường cho thấy, FED gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong lần họp này. Các quan chức hiện đang dành thời gian để phân tích các dữ liệu hiện có", ông Brian Vendig, Chủ tịch Công ty MJP Wealth Advisors, cho biết.

Vấn đề đang được thị trường quan tâm hiện nay là FED sẽ làm gì sau đó. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đợt tăng lãi suất tháng 7 sẽ là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay. Theo công cụ FEDWatch, khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách còn lại trong năm nay vào tháng 9, tháng 11 hay 12 là khá thấp, chỉ khoảng 30%.

Thị trường đợi tin từ các ngân hàng trung ương - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đợt tăng lãi suất tháng 7 sẽ là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)

"Có rất nhiều kỳ vọng về việc tình hình lạm phát hạ nhiệt hiện nay sẽ cho phép FED sớm tạm dừng tăng lãi suất. Khi đó, chi phí vốn sẽ không còn đe dọa nhiều đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ", chuyên gia về thị trường, Công ty MRB Partners, đánh giá.

Tuy nhiên, mọi dự đoán có thể vẫn còn quá sớm. Biên bản cuộc họp tháng 6 của FED cho thấy, 2/3 số thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, vẫn ủng hộ cần có thêm một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay, ngoài đợt tăng tháng 7, để ổn định lạm phát. Khả năng này đã khiến đồng USD tăng 1,17% trong cả tuần trước, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong 2 tháng qua.

"Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã có thể chắc chắn về việc FED có tiếp tục tăng lãi suất hay không. Cần có thêm nhiều dữ liệu khác, không chỉ về thị trường lao động, mà còn về cả lạm phát. Cần xem liệu xu hướng lạm phát hạ nhiệt hiện nay có tiếp tục hay không", ông Brian Vendig, Chủ tịch công ty MJP Wealth Advisors, nhận định.

Theo Bloomberg, các quan chức FED có lý do để thận trọng, bởi họ muốn tránh lặp lại những sai lầm hồi thập niên 1970. Khi đó, FED đã tin tưởng vào một thắng lợi trong cuộc chiến chống lạm phát và dừng các biện pháp kiểm soát quá sớm, sau đó phải chứng kiến lạm phát tăng trở lại mức hai con số.

Lạm phát vẫn cao hướng ECB tiếp tục tăng lãi suất

Còn tại châu Âu, lạm phát đã tăng chậm lại, nhưng vẫn chưa đủ để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tính tới việc chỉnh sửa lộ trình tăng lãi suất cơ bản như cách nước Mỹ đang làm.

Lạm phát tăng chậm lại nhưng vẫn là tăng, tỷ lệ lạm phát cơ bản trong khu vực đồng Euro vẫn ở mức 5,5%, nên áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn còn rất lớn.

Tờ El Economista ra tại Tây Ban Nha hôm thứ Năm (20/7) tuần trước chỉ ra thế khó của Ngân hàng Trung ương châu Âu: "Có những nước như Tây Ban Nha đã đưa lạm phát xuống dưới 2%, có nước khác lạm phát vẫn hai con số, nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu chỉ có thể thực thi một giải pháp chung cho toàn bộ các nước tiêu đồng Euro".

Dữ liệu cho thấy, Luxembourg, Tây Ban Nha và Bỉ đã thành công trong việc kéo lạm phát xuống dưới 2%, trong khi tại Đức, nền kinh tế đầu tàu của khối Eurozone, lạm phát vẫn 6,8%, tại Slovakia tới 11,3%, cao nhất Eurozone. Điểm chung duy nhất tại tất cả các nước là giá năng lượng đã giảm nhanh, trong khi thực phẩm, rượu và thuốc lá tiếp tục tăng mạnh.

Lạm phát ở mức cao tiếp tục tác động tới hành vi tiêu dùng. Tờ Le Figaro của Pháp giữa tuần trước có bài dài: "Lạm phát làm giảm sức mua của người Pháp", cho biết doanh số bán hàng đã giảm 4,1% kể từ đầu năm nay đối với thực phẩm trong siêu thị.

Người Pháp khi đi siêu thị mua ít thực phẩm hơn, ít chọn các nhãn hiệu có tiếng, chuyển sang sản phẩm tương đương có giá bán rẻ hơn.

Tờ báo đăng một biểu đồ dễ hiểu cho thấy, lạm phát giảm tốc, giá cả vẫn tăng. Nếu tính gộp tỷ lệ lạm phát từng tháng, thì trong vòng một năm, thực phẩm đã tăng tới 20,9%. Tương ứng với giá tăng, doanh số bán hàng thực phẩm cả năm nay liên tục tháng nào cũng giảm.

Báo chí châu Âu nhận định, dữ liệu khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu lo lắng nhất là lạm phát cơ bản, dai dẳng hơn dự kiến và đã tăng lại vào tháng 6, sau 2 tháng sụt giảm.

Tờ La Voz de Galicia hôm thứ Năm (20/7) tuần trước viết: "Gia tăng lạm phát trong tháng 6 báo hiệu một đợt tăng lãi suất nữa trong tháng 7. Lãi suất đã ở mức 4%, nhưng áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tiếp tục con đường hiện tại".

Ý định sẽ tăng lãi suất thêm vào ngày thứ Năm (27/7) tuần này còn được củng cố, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế tin rằng, tăng trưởng của khu vực đồng Euro sẽ phục hồi dần dần, ngay cả khi điều kiện tài chính thắt chặt và siết lại hơn chính sách tiền tệ là cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Tờ báo Tây Ban Nha nhấn mạnh: "Quỹ Tiền tệ Quốc tế không cho rằng tăng lãi suất hơn nữa có thể gây ra khủng hoảng, tăng trưởng của khu vực đồng Euro ước tính vẫn được 0,9% trong năm nay và 1,5% trong năm tới".

Thị trường hoài nghi khả năng BOJ điều chỉnh chính sách tiền tệ

Tại châu Á, đồng Yen Nhật được dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động, trong bối cảnh thị trường đang hoài nghi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khó có khả năng thực hiện bất kỳ thay đổi nào về chính sách tiền tệ trong cuộc họp sắp tới vào ngày 27 - 28/7.

Các nguồn tin thân cận của Reuters cho biết, BOJ đang nghiêng về khả năng duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng tại cuộc họp sắp tới, bao gồm cả việc giữ nguyên chính sách kiểm soát lợi suất trái phiếu.

Giới chức BOJ muốn xem xét kỹ lưỡng các dữ liệu để đảm bảo lạm phát và tiền lương tiếp tục tăng, trước khi tiến hành bất kỳ sự thay đổi nào. Tuy vậy, các quan chức hiện vẫn có quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Kỳ vọng về việc BOJ giữ nguyên chính sách, trong khi FED tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này, đã khiến USD tăng mạnh 1,24% so với đồng Yen Nhật trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giao dịch ở mức 1 USD đổi 141,81 Yen Nhật.

Quyết định của các ngân hàng trung ương sẽ được giới đầu tư theo dõi sát sao trong những ngày tới và bất kỳ động thái đáng chú ý nào cũng có thể tác động lớn đến các diễn biến trên thị trường tài chính thế giới.

FED có thể tăng lãi suất lên cao nhất 22 năm FED có thể tăng lãi suất lên cao nhất 22 năm

VTV.vn - FED dự kiến tăng lãi suất chủ chốt một lần nữa trong cuộc họp ngày 25 - 26/7. Đây được coi là đợt thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong 22 năm của FED.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước