Thị trường F&B tăng tốc mạnh sau dịch

Hữu Trí-Thứ tư, ngày 22/02/2023 13:18 GMT+7

VTV.vn - Năm 2022, thị trường F&B đã lấy lại được mức tăng trưởng. Thậm chí, sang đến đầu năm 2023, thị trường này còn sôi động hơn.

Theo báo cáo về thị trường kinh doanh ẩm thực của Ipos.vn, quy mô doanh thu ngành F&B năm 2022 đạt gần 610.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021. Có thể thấy, năm 2022, thị trường này đã lấy lại được mức tăng trưởng.

Thậm chí, sang đến tháng đầu năm 2023, thị trường này còn sôi động hơn. Các quán cà phê, nhà hàng ăn uống dần đông đúc hơn. Sau dịch, tần suất đi ăn uống bên ngoài của mọi người nhiều hơn.

"Sau khoảng thời gian COVID-19, tần suất đi ra ngoài ăn nhiều hơn. Thói quen sinh hoạt trở về như trước và tần suất còn tăng lên", chị Nguyễn Yến Chi, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, chia sẻ.

"Buổi trưa chị thường xuyên ra ngoài ăn. Còn cùng gia đình bạn bè thì 2 lần một tuần", chị Nguyễn Ngọc Thùy, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, cho biết.

Thị trường F&B tăng tốc mạnh sau dịch - Ảnh 1.

Sau dịch, tần suất đi ăn uống bên ngoài của mọi người nhiều hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Tần suất ăn uống bên ngoài tăng, các hàng quán lại nhộn nhịp như trước. Thương hiệu bít tết luôn trong tình trạng đông khách ở cả 4 chi nhánh. Với tình hình kinh doanh nhiều khởi sắc, họ sẽ tiếp tục mở thêm các điểm bán trong năm nay.

"Trong khoảng 6 tháng tới, chúng tôi sẽ có từ 3 - 5 điểm bán. Trong đó có những điểm bán chúng tôi sở hữu, còn lại, chúng tôi cũng sẽ cơ cấu tài chính bằng cách có thêm các cửa hàng nhượng quyền", anh Nguyễn Tuấn Anh, quản lý thương hiệu bít tết Bảo Hằng, TP Hà Nội, cho hay.

Chuỗi cà phê The Coffee House đã từng phải đóng gần 40 cửa hàng vì dịch COVID-19. Hiện tại, họ đang có hơn 150 cửa hàng trên toàn quốc. Dù chưa thể khôi phục hoàn toàn số lượng cửa hàng như trước dịch nhưng doanh thu trung bình của từng quán đã hồi phục gần như trước đây.

"Số lượng có ít hơn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng việc duy trì các cửa hàng có hiệu quả nó sẽ quan trọng trong giai đoạn này", ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc Điều hành The Coffee House, cho biết.

Báo cáo về thị trường kinh doanh ẩm thực của Ipos.vn cho thấy, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam năm 2022 đã phục hồi sát với mốc trước dịch COVID-19, đạt hơn 333.000 tỷ đồng.

"Sau đại dịch, lượng khách quay trở lại với việc ăn uống bên ngoài rất nhiều. Họ cũng tăng tỷ lệ chi tiêu. Người Việt coi ẩm thực cũng là một nét văn hóa nên việc đi ăn bên ngoài cũng là sự kết nối", ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn, đánh giá.

Cũng theo báo cáo của Ipos.vn, người tiêu dùng có khuynh hướng giữ nguyên mức chi tiêu hiện tại cho ẩm thực chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 46,27%, 30,9% đáp viên trả lời sẽ tăng mức chi tiêu và chỉ có 22,8% người có ý định giảm mức chi tiêu.

Thị trường F&B: Nhiều thay đổi trong năm 2023

Có thể thấy, lĩnh vực F&B trên cả nước cũng đã có sự tăng tốc đáng kể sau dịch COVID-19. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng, quán cà phê. Số lượng nhà hàng dịch vụ F&B tại Việt Na có xu hướng tăng dần đều với tốc độ tăng trưởng khoảng 2%.

Dù đã phục hồi tiệm cận mức trước đại dịch, tuy nhiên thị trường F&B sau dịch đã có nhiều sự thay đổi. Các nhà đầu tư muốn gia nhập hoặc quay trở lại thị trường cần nắm bắt tốt những đổi thay này.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thứ và trong đó có thói quen của thực khách. Nếu xếp các tiêu chí lựa chọn quán ăn thành một thực đơn với thứ tự ưu tiên, thì có 3 yếu tố quan trọng nhất. Đầu tiên là hương vị, có nghĩa món ăn có ngon hay không, chiếm 88% lựa chọn. Kế tiếp là giá cả, chiếm 72% lựa chọn. Thứ ba là hàng quán sạch sẽ, chiếm 62%.

Đã lên được thực đơn với các tiêu chí thực khách lựa chọn, việc tiếp theo là thiết kế mô hình kinh doanh sao cho phù hợp, sau một khoảng thời gian tạm đóng cửa vì dịch COVID-19, quán ăn Gạch Bông Express quay trở lại với một mô hình tinh gọn hơn, tập trung vào các bữa ăn nhỏ với mức giá phù hợp với số đông.

"Chúng tôi chú trọng rất nhiều vào bữa ăn nhỏ, bữa ăn dành cho một người. Ngoài ra, mô hình của chúng tôi cũng nhỏ, giúp chi phí đầu tư thấp hơn", anh Nguyễn Khôi Nguyên, chủ quán Gạch Bông Express, TP Hà Nội, chia sẻ.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến "online hóa" nhiều thứ, trong đó có việc mua đồ ăn, thức uống. Khảo sát của Ipos.vn cho thấy, có 88,2% doanh nghiệp F&B được hỏi đã ứng dụng phần mềm bán hàng. Tuy nhiên theo chuyên gia, đây chỉ là bước đầu tiên, bởi quá trình chuyển đổi số còn cần nhiều hơn thế.

"Việc bán hàng online chỉ là một phần nhỏ của chuyển đổi số. Phía sau của ngành dịch vụ còn rất nhiều việc như quản lý kinh doanh, quản trị hàng tồn, chi phí, quản lý nhân sự, marketing… ", ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn, cho biết.

"Khi COVID-19 xảy ra, nó giống như lần nhắc nhở các chủ đầu tư rằng phải tối ưu, từ nhân sự, tới vận hành, hiệu quả kinh doanh… Sau COVID-19 mọi người tiếp tục đà này. Khi nhận dạng được vấn đề, bắt buộc phải sử dụng các công cụ công nghệ, chuyển đổi số", ông James Dương Nguyễn, Tổng Giám đốc Công ty Dcorp R-Keeper Vietnam, nhận định.

Cơ cấu doanh thu dịch vụ F&B cũng có sự phân hóa, khi 95% doanh số đến từ dịch vụ ăn uống đơn lẻ và chỉ 5% thị phần được ghi nhận cho mức doanh thu từ các chuỗi dịch vụ ăn uống. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các mô hình F&B bình dân sẽ được nhiều chủ đầu tư mới thâm nhập thị trường phát triển.

Thị trường F&B phục hồi tiệm cận mức trước dịch Thị trường F&B phục hồi tiệm cận mức trước dịch

VTV.vn - Thống kê mới nhất cho thấy doanh thu của thị trường F&B đã phục hồi với tốc độ nhanh và tiến tới mức tiệm cận như trước khi đại dịch xảy ra, kỳ vọng sớm tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước