Thị trường F&B phục hồi tiệm cận mức trước dịch

Chinh Vũ-Thứ hai, ngày 16/01/2023 14:27 GMT+7

VTV.vn - Thống kê mới nhất cho thấy doanh thu của thị trường F&B đã phục hồi với tốc độ nhanh và tiến tới mức tiệm cận như trước khi đại dịch xảy ra, kỳ vọng sớm tăng trưởng.

Đại diện chuỗi cà phê The Coffee House ví von việc phải đóng gần 40 cửa hàng trong đại dịch như chiếc thuyền đi trong bão, phải bỏ đi những vật dụng không cần thiết để tránh bị nhấn chìm. Hiện là thời điểm chiếc thuyền dần khang trang trở lại. Chưa thể có lại số lượng cửa hàng bằng mức trước dịch, nhưng doanh thu trung bình của từng quán đã hồi phục gần như hoàn toàn, giúp doanh nghiệp thêm tự tin đầu tư.

Cửa hàng "flagship" - thuật ngữ dùng để chỉ cửa hàng có diện tích lớn và được đầu tư nhất trong chuỗi bán lẻ, thời gian qua đã bị nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Vì khi đại dịch xảy ra, các cửa hàng flagship lại trở nên lãng phí và tốn kém. Tuy nhiên hiện khi kinh tế phục hồi, hoạt động đầu tư những cửa hàng có quy mô lớn cũng dần trở lại.

"Thị trường F&B đã phục hồi đáng kể. Tuy nhiên sức mua đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố của kinh tế, khiến hầu bao của người dùng phải thắt chặt lại. Vì đi cà phê là một nhu cầu không phải là thiết yếu", ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc Điều hành The Coffee House, chia sẻ.

Thị trường F&B phục hồi tiệm cận mức trước dịch - Ảnh 1.

Giới quan sát đánh giá, cuộc đua mở rộng độ phủ của các chuỗi F&B (dịch vụ ăn uống) đã sôi động trở lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ ăn uống và lưu trú năm 2022 đạt hơn 578.000 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm trước đó và xấp xỉ gần mức doanh thu của năm 2019 - thời điểm trước khi COVID-19 xảy ra.

Giới quan sát đánh giá, cuộc đua mở rộng độ phủ của các chuỗi F&B (dịch vụ ăn uống) đã sôi động trở lại. Với sự tham gia của cả doanh nghiệp nội và ngoại, những cái tên mới lẫn cũ.

"Sự hiện diện của chúng tôi tại thị trường Việt Nam là dài hạn. Sau đại dịch, chúng tôi sẽ mở rộng độ phủ của cửa hàng. Tôi cho rằng Việt Nam đang phục hồi kinh tế với tốc độ rất nhanh, mang đến những cơ hội kinh doanh hứa hẹn", bà Patricia Marques, Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam, cho biết.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp dịch vụ đang tập trung khai thác mùa kinh doanh dịp Tết Nguyên đán để tăng tốc phục hồi, với nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu.

Những năm trước, việc kinh doanh dịp Tết có thể tăng đến 30% so với ngày thường. Tuy nhiên năm nay các dự báo có phần thận trọng hơn.

"Một bộ phận người dân có khó khăn về thu nhập. Do đó sức mua có thể không tăng nhiều như những năm trước, nhưng chắc chắn từ 10 - 15%", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Đánh giá của Tổng Cục Thống kê cho thấy, dù thị trường đã phục hồi tích cực, nhưng quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt hơn 80% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện không xảy ra đại dịch.

Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều thách thức, bất định trong năm nay, cho thấy các doanh nghiệp dịch vụ cần vượt qua nhiều khó khăn, mới đạt được trạng thái tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước