NSND Hải Ninh - Cây đại thụ của điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã ra đi

Vương Hà (Theo QDND)-Thứ ba, ngày 05/02/2013 06:00 GMT+7

NSND Hải Ninh cùng chia vui với các nghệ sĩ tại LHP Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên năm 2011. Ảnh: Châu Xuyên

 Ngày 5-2, tức ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thìn, làng điện ảnh Việt Nam bàng hoàng trước tin NSND Hải Ninh-đạo diễn của hàng chục bộ phim kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam từ biệt cõi trần, thọ 82 tuổi.

Nhắc đến NSND Hải Ninh, khán giả Việt Nam và cả ít nhiều công chúng thế giới biết đến ông-“cha đẻ” của những tác phẩm điện ảnh kinh điển như: “Người chiến sĩ trẻ”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Rừng o Thắm”, “Mối tình đầu”, “Thành phố lúc rạng đông”… Tác phẩm đầu tiên gây được tiếng vang của đạo diễn Hải Ninh là “Người chiến sĩ trẻ”, khắc họa giản dị mà đầy xúc động hình tượng người anh hùng diệt xe tăng Cù Chính Lan. Đây cũng là tác phẩm đặt nền móng vững chắc cho những tác phẩm điện ảnh giàu chất sử thi sau này của ông. Phim đã nhận bằng khen của Hội Điện ảnh Liên Xô (trước đây) ở Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va oscow 1965 và bằng khen của Đoàn Thanh niên Komxomon Liên Xô (trước đây) 1965. Bộ phim “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” tham dự Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va, trở thành tiêu điểm của báo chí và dư luận thế giới. Phim đã mang về cho nữ diễn viên Trà Giang giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất, đồng thời cũng nhận được giải thưởng của Hội đồng Hòa bình thế giới. Đạo diễn Hải Ninh là một trong những người đầu tiên được nhận danh hiệu NSND, đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, là một trong những đạo diễn đầu tiên đã đưa điện ảnh Việt Nam tiếp cận thế giới.

Ở kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, tổ chức tại tỉnh Phú Yên, dù tuổi cao (ông sinh ngày 31-12-1931 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa), nhưng ông đã gắng sức tới chia vui với những thế hệ làm điện ảnh nước nhà. Ở đó, khi ngành điện ảnh đang trong giai đoạn chung chiêng, NSND Hải Ninh đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho thế hệ đạo diễn trẻ, nêu ra các vấn đề khó khăn và động viên những người làm điện ảnh nước nhà cần phải gắn bó, đoàn kết vượt qua…

Còn ở dịp cả nước tổ chức kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không cuối năm 2012 vừa qua, NSND Hải Ninh được nhắc đến nhiều, bởi ở sự kiện đó, ông có tác phẩm điện ảnh nổi tiếng: “Em bé Hà Nội” - một tác phẩm để đời, là một câu chuyện đầy xúc động về cô bé Ngọc Hà 12 tuổi phải đi tìm bố mẹ và em gái trong khi Mỹ giội bom B-52 xuống Hà Nội.

Với triết lý nhân văn sâu sắc - trẻ em là những nạn nhân đáng thương nhất của chiến tranh, bộ phim đã đoạt giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975, giải đặc biệt của BGK Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va 1975, giải thưởng của Mặt trận giải phóng Pa-le-xtin tại Liên hoan phim quốc tế Sirya. Như ông vẫn nói, bộ phim là một vòng hoa tang đặt trước linh hồn những người Hà Nội đã hy sinh để bảo vệ Thủ đô trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 dưới mưa bom B-52.

Nhưng, trong không khí cả nước hướng về những ngày kỷ niệm đó, ở những cuộc giao lưu của ngành điện ảnh, người ta nhắc nhiều đến “Em bé Hà Nội”, nhắc nhiều đến Hải Ninh, tuy nhiên không có cuộc gặp gỡ, giao lưu nào có sự hiện diện của người đạo diễn gạo cội. Cũng bởi, khi ấy ông lâm trọng bệnh! Ông ra đi khi còn ấp ủ một dự án điện ảnh dang dở, làm bộ phim “Người mẹ Hà Nội” và đang tìm diễn viên chính. Ông muốn làm một bài ca đẹp ca ngợi hình ảnh những người mẹ Hà Nội dịu dàng, tảo tần, hy sinh hết mình cho con cái, là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, đẹp cả thể chất và tâm hồn.

NSND Hải Ninh, cây đại thụ của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, người vẫn luôn đau đáu với sự nghiệp điện ảnh nước nhà cho đến những ngày cuối cuộc đời. Lễ tang của NSND diễn ra vào 10 giờ đến 11 giờ 15 phút ngày 7-2 (tức 27 tháng Chạp) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước