Ứng dụng thành công máy sấy năng lượng Mặt Trời

Thúy Hằng-Thứ hai, ngày 05/08/2013 17:20 GMT+7

 Sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không tích tụ năng lượng Mặt Trời để sấy các loại nông sản, tiết kiệm chi phí và thời gian là giải pháp vừa được nghiên cứu ứng dụng thành công.

Với công nghệ này, người nông dân có thể sấy 500 kg thóc ướt có độ ẩm 33% xuống 13% trong 8 giờ đồng hồ. Thiết bị sấy sử dụng năng lượng Mặt Trời này là kết quả của Chương trình Đối tác - Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp thực hiện.

‘ Hệ thống sấy nông sản bằng năng lượng Mặt Trời (Ảnh: VTV News)

Trung bình để sấy 1 tấn hoa quả khô đạt tỉ lệ độ ẩm 15% qua dây truyền sấy nông sản bằng điện phải mất 8 tiếng đồng hồ. Chi phí vận hành, tiền điện lên đến cả chục triệu đồng. Đầu tư ban đầu và vận hành hệ thống này hàng năm chiếm một khoản không nhỏ khiến chủ doanh nghiệp phải đau đầu tìm giải pháp dài hạn để tiết kiệm hơn.

Ông Phạm Quang Hùng, Giám đốc Công ty chế biến hoa quả cho biết: “Sản xuất chế biến nông sản thì thời gian sấy không thể cưỡng ép. Nếu sấy khô sản phẩm thì mất ít nhất từ 6-8 tiếng. Nếu dùng năng lượng điện hay than thì với thời gian như vậy chi phí sẽ rất lớn. Chúng tôi đang tìm giải pháp mới là dùng bằng năng lượng Mặt Trời”.

Chiếc máy sấy sử dụng năng lượng Mặt Trời được áp dụng công nghệ ống thủy tinh chân không và thiết bị ống nhiệt vào một bộ thu nhiệt năng lượng Mặt Trời, qua tính toán và nhiều thực nghiệm hiệu suất của bộ thu năng lượng Mặt Trời có thể đạt 55- 65%.

Ông Trần Công Lý, Giám đốc Công ty Phát triển ứng dụng kỹ nghệ mới chia sẻ: “Máy sấy này không đắt, so với một máy chạy bằng điện, trấu cùng công suất 500 tấn là 200 triệu thì máy sấy năng lượng Mặt Trời chỉ 100 triệu mà không mất tiền chi phí thường xuyên”.

Theo tính toán, chi phí sấy 1 tấn lúa bằng thiết bị này vào khoảng 130.000 đồng, nếu sấy lúa bằng máy sấy lò trấu thì loại máy này sẽ tiết kiệm gần 30.000 đồng/tấn. Và lợi ích trực tiếp của sử dụng năng lượng Mặt Trời là giảm độc hại cho người lao động. Đây là kết quả thiết thực của chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam Phần Lan.

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết: “Dự án này triển khai tương đối thành công trong việc phối hợp giữa ba nhà. Dự án đã giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp có được những kết quả cụ thể thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách, qua việc tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh và cũng giúp các Viện nghiên cứu, trường Đại học đưa được kết quả nghiên cứu vào thực tiễn”.

Việt Nam là quốc gia có mức bức xạ Mặt Trời cao trên thế giới, với số giờ nắng dao động từ 1.600-2.600 giờ/năm nhất là khu vực phía Nam­­­­. Trong khi đó, nhu cầu sấy lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là rất lớn. Thực tế các loại máy sấy ở khu vực này hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% sản lượng.

Việc ứng dụng thành công máy sấy lúa sử dụng năng lượng Mặt Trời đươc kỳ vọng là giải pháp để giải quyết nhu cầu sơ chế các sản phẩm nông nghiệp hiện nay và đặc biệt hữu ích trong bối cảnh giá điện đang tăng hiện nay.

Quý khán giả có thể xem lại phóng sự dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước