Từ chuyện xe tư nhân gắn biển số xanh: Đặc quyền đang được thừa nhận?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/06/2016 11:11 GMT+7

VTV.vn-Theo ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, từ câu chuyện xe tư nhân gắn biển số xanh, vấn đề cần quan tâm là hiệu quả của thực thi pháp luật

Từ câu chuyện xe tư nhân gắn biến số xanh ở tỉnh Hậu Giang, chủ đề được đưa ra bàn luận trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này là đặc quyền và pháp quyền trong xã hội. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, đặc quyền là việc bắt luật pháp phải giành quyền ưu tiên cho riêng mình. Pháp quyền là những quyền phải được thực thi trên cơ sở luật đã được soạn thảo ra và phát hành rộng rãi. Đặc quyền và pháp quyền là hai yếu tố cấu thành trong cuộc đấu tranh mà xã hội nào cũng phải chứng kiến.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, trong bất kỳ thời đại nào, một đất nước sẽ chỉ mạnh khi có một nền tảng pháp luật mạnh được thực thi hiệu quả. Nếu đặc quyền lấn át pháp quyền thì người dân sẽ mất niềm tin vào xã hội, từ đó không thể kết cấu thành một cộng đồng mạnh. Do vậy, việc một vị quan tỉnh không cảm thấy băn khoăn khi biến biển trắng thành biển xanh không thể xem là một sự việc bình thường.

Theo TS Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, không thể khẳng định đặc quyền đang được thừa nhận từ câu chuyện biển trắng - biển xanh tại Hậu Giang.

“Đặc quyền được thừa nhận? Không đến mức như vậy. Điều quan trọng ở đây là nhận thức, sự nhập nhèm giữa công và tư có thể dẫn tới hệ lụy, thậm chí cả người trong cuộc cũng không biết" - TS Nguyễn Viết Chức cho biết - "Điều làm chúng ta băn khoăn hơn là chuyện thực thi pháp luật. Có khi việc chúng ta làm sẽ rất có lợi, cho cả việc công và việc tư nhưng cũng không được làm điều đó, có như vậy mới gọi là thượng tôn pháp luật"

"Để thực thi pháp luật, điều quan trọng đầu tiên là nghiêm minh. Điều thứ hai là sự mình bạch, công là công và tư là tư; không thể lấy công làm tư và ngược lại" - TS Nguyễn Viết Chức phân tích thêm - "Đã là quan chức thì phải hiểu quan trên nói xuống, người ta trông vào, quan chức phải làm sao để xứng đáng với niềm tin người dân đã giao phó, xứng đáng với nhiệm vụ cấp trên đã giao. Thực tế, cơ chế chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ đã có, điều cần lo lắng là khi hành xử, cán bộ chỉ nhớ tới mỗi quyền lợi của mình, thậm chí còn tăng quyền lợi đó theo cách của mình. Khi đó rất nguy hiểm vì nó là lạm quyền và không nhớ trách nhiệm của mình là gì".

Đồng tình với quan điểm trên, bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phấn tích chính sách UNDP đưa ra 4 giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Một là cán bộ công chức phải là những người tuân thủ pháp luật trước khi yêu cầu người dân tuân thủ pháp luật. Thứ hai là tận dụng và tạo điều kiện cho vai trò giám sát của xã hội trong tham gia thực thi công vụ, từ đó giúp minh bạch hóa, trong sạch bộ máy công quyền. Thứ ba là xây dựng bộ quy tắc đạo đức cho từng vị trí lãnh đạo công vụ từ trung ương đến địa phương. Quan trọng nhất là yếu tố bình đẳng trong mối quan hệ quan - dân phải được đặt trong đảm bảo.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video trên đây.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước