Bệnh sởi - những điều cần biết

Chính phủ, icon
02:59 ngày 17/04/2014

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vaccine hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.

Da một bệnh nhân sau ba ngày nhiễm virus sởi
Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia,tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vaccine.

Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.

Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.

Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... là các biến chứng nguy hiểm sau mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine; trẻ đã tiêm vaccine nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; thanh niên chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vaccine trước đây. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng tiêm vaccine sởi.

Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.

Tuy nhiên, những người đã có miễn dịch với virus sởi do tiêm vaccine sởi trước đó hoặc đã từng mắc sởi sẽ không bị mắc bệnh nữa.

Bệnh có biểu hiện như thế nào?

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi. Giai đoạn toàn phát, phát ban sần, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng.

Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm huyết thanh là phương pháp chính xác nhất. Cần lấy 3ml máu của bệnh nhân trong khoảng 28 ngày kể từ khi phát ban để tìm kháng thể IgM. Nếu kết quả dương tính chứng tỏ bệnh nhân đã mắc sởi.

Bên cạnh đó, có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và các thông tin tiếp xúc với nguồn lây.

Tiêm vaccine sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi.

Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc. Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.

Tiêm vaccine sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?

‘ Nên cho trẻ đi tiêm vaccine để phòng bệnh sởi

Sau khi tiêm, vaccine sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon.

Cũng như các vaccine khác, tiêm vaccine sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vaccine, loại vaccine và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vaccine và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vaccine hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.

Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm.

Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm vaccine sởi.

Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vaccine có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Việc tiêm vaccine trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.

Tuy nhiên, tiêm vaccine sởi có thể bị nhiễm virus sởi bởi vì vaccine chứa virus sởi đã bị làm yếu nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp sau tiêm vaccine bị mắc sởi. Nhưng, do triệu chứng của những người này thường là nhẹ và không gây lây nhiễm virus cho người khác nên không cần cách ly.

Tại sao phải tiêm hai liều vaccine sởi?

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vaccine sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vaccine...

Việc tiêm mũi thứ hai vaccine sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vaccine sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%. Tuy nhiên, tiêm mũi thứ hai không nhằm mục đích làm tăng hiệu giá kháng thể đối với những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch.

Những trường hợp nào không nên tiêm vaccine sởi?

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vaccine sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của vaccine (gelatin, neomycin) không nên tiêm vaccine sởi. Dị ứng với trứng không phải là chống chỉ định của tiêm vaccine sởi.

Không nên tiêm vaccine sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra trong số phụ nữ được tiêm phòng trong thời kỳ mang thai. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vaccine sống khác, cần tránh có thai ít nhất 1 tháng sau tiêm vaccine.

Không tiêm vaccine sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm.

Có thể tiêm vaccine sởi cho những người dương tính với HIV, nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.


Cùng chuyên mục