Hương nhu tía - vị thuốc giúp giải cảm, hạ sốt

Nguyễn Liên, icon
08:03 ngày 23/12/2018

VTV.vn - Hương nhu tía là dược liệu có công dụng trong hạ sốt, chữa cảm, nhất là cảm nắng, say nắng.

Cây hương nhu tía (Hình minh họa: theseedgarden.blogspot.com)

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng thuốc dân tộc, hương nhu tía có tên khác là é đỏ hay é tía, là dạng cây thảo cao gần 1m, thân cành màu đỏ tía, có lông. Hương nhu tía thường được thu hái vào lúc cây đang ra hoa. Người ta rửa sạch thân, cành, sau đó cắt thành từng đoạn từ 3 đến 4cm, phơi âm can đến khô.

Trong y học cổ truyền, hương nhu tía có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào hai kinh phế, vị có tác dụng phát hãn làm ra mồ hôi, thanh nhiệt, tán thấp, hành thủy, giảm đau.

Hương nhu tía được dùng làm thuốc trong phạm vi kinh nghiệm dân gian để hạ sốt, chữa cảm, nhất là cảm nắng, say nắng. Ngoài ra, vị thuốc này cũng rất tốt cho những trường hợp nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa hay bệnh phù thũng. Ngày dùng từ 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm.

Ở nước ngoài, hương nhu tía cũng là vị thuốc rất hữu ích. Trong y học cổ truyền Ấn Độ, nước hãm của lá hương nhu tía được dùng chữa đau dạ dày ở trẻ em và bệnh sốt rét. Dịch ép từ lá lại dùng chữa nôn mửa mà giun móc; khi phối hợp với mật ong, gừng và dịch ép tỏi lại là thuốc lợi đờm, chữa viêm phế quản, ho ở trẻ em. Ngoài ra, dịch ép từ lá hương nhu tía còn có thể chữa rắn độc cắn.

Ở Myanmar, nước sắc của lá hương nhu tía chữa đầy hơi và tiêu chảy ở trẻ em; hạt hương nhu chữa bệnh thận. Ở Malaysia, dịch hãm từ lá lại có công dụng chữa viêm đường hô hấp và bệnh rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.

Chú ý, những trường hợp ho lao mãn tính được khuyên không nên dùng hương nhu tía.

Một số bài thuốc có hương nhu tía trong y học dân gian:

- Chữa cảm sốt, nhức đầu, đau bụng, chân tay lạnh: hương nhu tía (500g), hậu phác (tẩm gừng nướng) (200g), bạch biến đậu (sao) 2kg. Tất cả thái nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10g (có khi đến 20g) với nước sôi để nguội.

- Chữa cảm, làm ra mồ hôi, giúp hạ sốt: hương nhu, hoắc hương, bạc hà, sả, tía tô, lá bưởi, lá chanh mỗi thứ 10g. Tất cả rửa sạch, đun sôi rồi dùng để xông hơi.

- Phòng, chữa cảm nắng, say nắng: lá hương nhu 32g, hạt đậu ván 32g, củ sắn dây 24g, gừng sống 12g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây thành bột mịn. Mỗi lần người lớn dùng 16g, trẻ em 8g, hãm với nước sôi, gạn uống.

- Chữa trẻ em chậm mọc tóc: hương nhu sắc đặc, hòa với mỡ lợn bôi hàng ngày.

- Chữa bệnh hôi miệng: hương nhu 10g sắc với 200ml nước, dùng súc miệng và ngậm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục