Phú Thọ: Trang bị kỹ năng ứng phó bạo lực cho nhân viên y tế

Tuấn Bảo, icon
07:20 ngày 20/04/2018

VTV.vn - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức chương trình "Tập huấn các giải pháp an ninh trong bệnh viện và các kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế".

Toàn cảnh buổi tập huấn kỹ năng cho nhân viên y tế.

Trao đổi trong chương trình, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an đã chỉ ra tình hình bạo lực tại các cơ sở y tế trong những năm gần đây, đồng thời đưa những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng trên và hậu quả mà cán bộ nhân viên y tế nói riêng và ngành y tế nói chung đang gặp phải.

Rất nhiều các giải pháp an ninh trong bệnh viện đã được Trung tá Đào Trung Hiếu nêu ra và một trong những giải pháp thiết thực nhất đó là hãy dạy võ cho các nhân viên y tế, các nhân viên bảo vệ để họ có thể tự bảo vệ chính mình trước khi có sự can thiệp của các lực lượng chức năng. Tự vệ là quyền của lực lượng bảo vệ và nhân viên y tế.

Phú Thọ: Trang bị kỹ năng ứng phó bạo lực cho nhân viên y tế - Ảnh 1.

Hưỡng dẫn cho nhân viên y tế phòng vệ

Ngay tại hội trường, các cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện được hướng dẫn một vài kỹ năng tự vệ cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong môi trường y tế cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Trong chương trình, ngoài trang bị kỹ năng cơ bản để phòng vệ, TS Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc bệnh viện còn chỉ rõ các vấn đề giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế: Người phải vào viện là những người không khỏe về sức khỏe và tinh thần. Họ mang trong mình bệnh tật nên không chỉ đau đớn về thân thể mà cũng rất bi quan về tinh thần. Còn người nhà người bệnh là những người không khỏe về tinh thần. Tất cả họ đều mang tâm lý căng thẳng và rất dễ bị kích động. Chính vì vậy mà những mâu thuẫn, những xung đột xảy ra như một điều tất yếu.

Bên cạnh đó những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống của nhân viên y tế lại chưa thực sự tốt nên việc tập huấn các kỹ năng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra cho nhân viên y tế là rất cần thiết. Nó giúp giải quyết các mâu thuẫn, giảm thiểu, hạn chế tối đa các tình huống xấu có thể xảy ra, tạo được môi trường làm việc thực sự an toàn cho cán bộ nhân viên y tế.

Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ từ gây rối, làm mất an ninh trật tự trong bệnh viện, đến tấn công, đe dọa tính mạng các nhân viên y tế. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), tuyến trung ương (20%).

Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ, kế đó là điều dưỡng viên. Điều đáng nói 90% số vụ xảy ra trong khu vực bệnh viện, trong khi nhân viên y tế đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh. Tình trạng bạo hành với ngành Y chiếm tới 25% tổng số các vụ bạo hành nơi làm việc so với các ngành nghề khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục