Viêm họng, viêm thanh quản: nguyên nhân, phòng ngừa và điều trị

Linh Chi, icon
03:37 ngày 21/08/2018

VTV.vn - Viêm họng, viêm thanh quản là các bệnh thường gặp về đường hô hấp do nhiều yếu tố như thời tiết, môi trường, đặc thù công việc...

Hình minh họa (Ảnh: netdoctor)

Biểu hiện khi bị viêm họng, viêm thanh quản

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh có thể xuất hiện đột ngột ngay sau khi ăn thực phẩm lạnh, tắm nước lạnh, hứng một luồng khí lạnh của điều hòa vào vùng đầu, mặt, cổ hoặc sau một đợt viêm mũi họng có chảy dịch mũi sau xuống cổ.

Viêm thanh quản gây khàn tiếng có thể kèm ho, đau họng, khó thở thanh quản, nói đau tức vùng giữa cổ và nói chóng mệt.

Viêm họng do virus, người bệnh có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người. Hội chứng nhiễm khuẩn sẽ gây sốt, môi khô, lưỡi bẩn, cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai, ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm.

Nguyên nhân gây bệnh

Sự thay đổi nhiệt độ vùng họng, thanh quản

Mùa nóng, sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường và cơ thể làm xuất hiện hiện tượng ra mồ hôi, trong thành phần mồ hôi bên cạnh nước, còn có muối và các khoáng chất. Vì vậy, niêm mạc đường hô hấp trở nên khô, người ta cảm thấy khát và rất muốn uống nước, đặc biệt là nước có nhiệt độ thấp. Sự chênh lệch nhiệt độ khi uống nước dẫn đến hiện tượng kích thích niêm mạc họng, thanh quản gây viêm. Sự thay đổi diễn ra đột ngột nên niêm mạc họng thường chưa đủ thời gian để làm ấm như chức năng vốn có, đồng thời làm thay đổi môi trường sống của một số loại vi khuẩn cơ hội trong họng và thanh quản nên nhanh chóng gây bệnh.

Do nhiễm virus

Họng là cửa ngõ của đường ăn và đường thở nên rất dễ nhiễm khuẩn. Các dịch của viêm đường hô hấp cấp có thể gây thành dịch trong mùa hè, trong đó virus chiếm 60-80% các nguyên nhân gây bệnh, nhất là các virus cúm A và B.

Viêm họng do vi khuẩn 

Thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu tan huyết nhóm A, liên cầu, phế cầu, Friedlander, Pfeiffer...

Viêm họng, thanh quản do nấm 

Bệnh cũng hay gặp trong mùa hè do thời đại công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, thói quen sử dụng điều hòa ngày càng phổ biến. Nếu điều hòa không được vệ sinh thường xuyên thì đây sẽ là một yếu tố thuận lợi làm cho nấm phát triển và phát tán vào không khí trong nhà, khi niêm mạc họng suy yếu nấm sẽ gây ra viêm họng hoặc viêm thanh quản.

Viêm họng do hội chứng trào ngược 

Chứng bệnh này hay gặp do tần suất sử dụng bia lạnh tăng đột ngột. Đây là một loại thực phẩm rất hay kích ứng thực quản dạ dày. Sau khi uống bia lạnh, người bệnh cảm thấy khô cổ, đầy bụng kèm theo ợ nóng, ợ chua và họng bắt đầu viêm. Nếu dịch dạ dày tràn qua sụn phễu vào thanh quản sẽ gây sặc rồi khàn tiếng. Có nhiều yếu tố làm cho những người có cơ địa dị ứng như các loại phấn hoa có trong mùa hè, thức ăn mùa hè như các loại kem, nước giải khát... Niêm mạc họng và thanh quản bị kích thích, phù nề gây ngứa họng, rát họng và ho cơn đồng thời dị ứng cũng lan nhanh xuống thanh quản gây khàn tiếng, ho, thậm chí khó thở thanh quản.

Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi gây viêm họng có thể là do tiếp xúc với các yếu tố vật lý hóa học độc hại, làm việc trong môi trường bụi bẩn... Mùa hè lại là mùa bầu không khí khô nóng nên dễ phát tán bụi bẩn ra không khí ở khu vực rộng. Hoặc do một số thói quen chưa hợp lý trong sinh hoạt như việc sử dụng đồ uống với nhiệt độ quá thấp so với niêm mạc họng lại có tình trạng sử dụng giọng vượt quá mức cho phép của thanh quản dẫn tới đau họng, mất tiếng.

Phòng ngừa và điều trị

- Sử dụng kháng sinh, kháng viêm đường uống, hạ sốt, giảm đau, giảm phù nề, chống dị ứng... có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa. Khí dung họng - thanh quản bằng hỗn hợp dung dịch thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó người bệnh cần giữ ấm, chườm nóng vùng cổ là rất cần thiết, uống nước giá đỗ luộc nóng, uống trà gừng, ngậm kha tử, chanh đào ngâm mật ong... để hỗ trợ điều trị. Hạn chế nói trong 3-5 ngày; súc miệng bằng nước có thành phần là chất kiềm nhẹ, muối sinh lý...

- Sử dụng điều hòa đúng cách, giữ ấm vùng cổ khi sử dụng nhiệt độ điều hòa thấp dưới 26 độ.

- Khi sử dụng thực phẩm nên chú ý đừng để quá lạnh nhất là những người có cơ địa dị ứng.

- Bảo hộ lao động đúng quy định khi làm việc trong môi trường ô nhiễm bụi bẩn hoặc hóa chất.

Một đặc điểm cần lưu ý ở viêm thanh quản cấp là nếu viêm thanh quản xảy ra ở trẻ dưới một tuổi rất cần cẩn trọng bởi niêm mạc thanh quản trẻ em rất dễ phù nề, nhất là vùng dưới niêm mạc nên hay gặp khó thở thanh quản nặng. Trường hợp viêm thanh quản đi kèm với phù nề ở vùng hạ thanh môn gây khó thở dữ dội, có khả năng mở khí quản thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục