Nhiều ngân hàng đang... ế tiền

Chí Sơn - Hoài Linh-Thứ năm, ngày 04/04/2013 12:04 GMT+7

Ảnh minh hoạ

 Trong khi các doanh nghiệp sản xuất kêu cứu vì tỷ lệ hàng tồn kho cao thì tiền tại các ngân hàng cũng trong tình cảnh tồn kho không cho vay ra được.

Hàng nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi dưới 10%, có ngân hàng chỉ trong 1 tháng đã tung tới 3 chương trình ưu đãi… tất cả hoạt động này đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là tìm đầu ra cho tín dụng.

Hạ lãi suất huy động nhằm làm giảm giá vốn thậm chí tình cảnh vốn thừa, vốn ế đã khiến nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất huy động ở mức kém hấp dẫn để người dân chuyển sang gửi tiền ở ngân hàng khác. Tuy nhiên với việc hạ lãi suất giảm giá vốn nhiều ngân hàng vẫn chưa tự tin rằng tín dụng sẽ tăng hơn.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank nói: “Chúng tôi cũng kỳ vọng gia tăng được một khối lượng tín dụng nhất định nhưng chúng tôi không kỳ vọng lớn”.

Trong khi huy động tăng tới 3,83% thì tỷ lệ cho vay ra mới chỉ ngoi lên 0,1%. Hiểu một cách đơn giản, ngân hàng huy động được gần 4 đồng còn cho vay ra chỉ đạt 0,1 đồng. Săn lùng khách hàng tốt để cho vay và giải phóng tiền tồn là cách nhiều ngân hàng đang áp dụng.

Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương cho biết: “Khách hàng tốt người ta không chỉ quan tâm về giá mà còn quan tâm về sự phù hợp, sự thấu hiểu ngân hàng với nhu cầu của họ. Bản thân chúng tôi phải đào tạo cán bộ thông thạo về ngành nghề của khách hàng để hiểu sát công việc của họ. Như vậy sẽ tạo sự gắn kết,cung cấp dịch vụ cũng như đồng vốn đúng thời điểm khách hàng có nhu cầu”.

Nhưng ngay cả khi có sự gắn kết giữa ngân hàng với doanh nghiệp thì vốn sẽ đi đâu khi sức hấp thụ của doanh nghiệp còn yếu, ngân hàng nào cũng muốn giành khách hàng tốt để cho vay và nhất là khi, cả nền kinh tế đang trong tình cảnh tồn kho hàng hoá tăng cao, quá trình thoái nợ và sức ép nợ xấu vẫn còn khá lớn.

Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương cho rằng, tình trạng dư thừa vốn có thể sẽ được cải thiện hơn bởi theo quy luật thị trường, đến tháng 6 tình trạng này sẽ đảo chiều khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao hơn.

Tuy vậy, thực cảnh hiện tại cũng buộc các ngân hàng phải nhìn nhận lại để thay đổi. Hiện 80% lãi của ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng. Khó khăn cũng là cơ hội để các ngân hàng thay đổi chiến lược kinh doanh vì xét cho cùng, kinh doanh ngân hàng còn đến từ mảng dịch vụ và nghiệp vụ đầu tư.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước