Nở rộ cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại TP.HCM

Uyên Phương-Thứ ba, ngày 01/10/2013 14:05 GMT+7

 Sức mua giảm, chi phí mặt bằng đắt đỏ, đồng vốn eo hẹp... khiến cuộc đua trên thị trường bán lẻ đang chuyển dịch từ những đại siêu thị sang cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, mức tăng trưởng của mô hình cửa hàng tiện lợi tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, có điều dễ nhận thấy là trong mô hình kinh doanh này, các doanh nghiệp nội đang dần mất thị phần bởi đầu tư của khối ngoại.

Circle K vừa chính thức khai trương cửa hàng tiện lợi thứ 50 của mình tại TP.HCM. Với người dân, họ tìm đến cửa hàng là do sự tiện lợi; còn với doanh nghiệp, thế mạnh về kinh nghiệm thâm nhập vào những thị trường lớn là lý do để Circle đầu tư phát triển vào thị trường TP.HCM.

‘ Khách mua hàng tại một Co.op Food ở TP HCM. Ảnh: Lao động

Theo số liệu thống kê của Nielsen, tại TP.HCM hiện có trên 500 cửa hàng tiện lợi, trong đó 60% là do các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Một điểm khác biệt so với các cửa hàng tiện lợi trong nước là hầu hết các cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp nước ngoài đều mở cửa 24h mỗi ngày và xuyên suốt cả tuần. Cửa hàng tiện lợi nhưng có cả không gian ăn uống, nghỉ trưa. Có lợi thế hiểu sâu về tập quán người tiêu dùng nội địa, nhưng có nhiều lý do khiến doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng nhận thấy kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ mới chiếm 15% trong tổng hệ thống bán lẻ cả nước, trong khi các nước trong khu vực tỉ lệ này xấp xỉ 50%. Trong tương lai gần, họ tin tưởng hệ thống cửa hàng tiện lợi sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam vì thu nhập của giới trung lưu đang tăng dần. Thực ra doanh nghiệp nội cũng đã nhận diện được những khó khăn khi các kênh cửa hàng tiện lợi nước ngoài lấn sân.

Để có sự phát triển như hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải chịu lỗ từ 7-8 năm, điều này tương đương với chiến lược đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên về mặt tư duy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi việc mở các cửa hàng tiện lợi thuộc dạng ngắn hạn. Theo các chuyên gia, rõ ràng với quan điểm đầu tư khác nhau này, doanh nghiệp Việt Nam đã mất sức cạnh tranh, bởi xét về yếu tố rủi ro thì đầu tư dài hạn luôn có lợi thế hơn so với ngắn hạn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước