Dự luật do Chính phủ Pháp soạn thảo, nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng an ninh để chống khủng bố và tội phạm hình sự. Nhưng ở một đất nước coi trọng quyền riêng tư và tự do cá nhân như ở Pháp, việc những bí mật cá nhân có thể bị cơ quan an ninh giám sát đã gây cho người dân cảm giác lo ngại.
Đạo luật Tình báo cho phép các cơ quan tình báo được sử dụng một cách hợp pháp, liên tục và tổng quát nhiều phương tiện như nghe trộm, cài đặt camera bí mật, sử dụng phần mềm gián điệp, xâm nhập dữ liệu đang truyền tải trên mạng hay theo dõi toạ độ của xe hơi và điện thoại di động. Tình báo Pháp cũng có quyền thu thập thông tin thu trực tiếp từ các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động và Internet. Mục đích là phát hiện sớm các nhóm khủng bố và tội phạm hình sự nhưng cũng để phòng ngừa tình báo nước ngoài lấy cắp bí quyết công nghệ và bí mật kinh tế.
Chính phủ Pháp đã bắt đầu soạn thảo dự luật từ năm ngoái; vụ khủng bố tại toà soạn báo Charlie Hebdo đầu năm nay đã đẩy nhanh quá trình xây dựng, biến dự luật thành Đạo luật tình báo. Để tránh việc các cơ quan tình báo lạm quyền, Đạo luật cũng quy định lại quyền hạn của Ủy ban giám sát tình báo.
Dự thảo Đạo luật Tình báo đã gây tranh cãi suốt mấy tháng nay tại Pháp. Nhiều người lo ngại chính phủ pháp sẽ dựa trên Đạo luật này để chống lại các nhóm hoạt động chính trị và theo dõi các công đoàn. Một số luật sư cho rằng Đạo luật Tình báo xâm phạm quyền tự do ngôn luận và quyền của công dân trong việc giám sát hoạt động của Chính phủ là những ý tưởng nền tảng của nền Cộng hoà Pháp. Giờ đây khi Đạo luật đã được thông qua, một số tổ chức hoạt động nhân quyền tại Pháp cho biết sẽ kiện Chính phủ Pháp lên Tòa án châu Âu về Nhân quyền.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.