"Chế độ lương theo ngạch bậc của công chức đã lạc hậu"

VTV News-Thứ hai, ngày 22/07/2013 12:21 GMT+7

 Xung quanh nội dung chất lượng cán bộ công chức hiện nay, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang.

Trong cuộc họp thứ nhất ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Trong bộ máy của chúng ta có 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cấp ô về” không mang lại bất cứ một thứ hiệu quả công việc nào”.

Gần đây, trong cuộc thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp do Bộ Nội vụ tổ chức thì có tới 30% công chức dự thi không đạt kết quả xét.

Những con số trên phần nào cho thấy chất lượng cán bộ hiện nay. Vậy đâu là lý do của tình trạng 30% công chức “tối cắp ô đi, sáng cắp ô về”? Làm thế nào phát huy trí tuệ của công chức? phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang về vấn đề này.

‘ GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang (trái) tại trường quay Đài THVN. (Ảnh: VTV News)

PV: Thưa ông Quang, ông nghĩ sao về con số 30% công chức “tối cắp ô đi, sáng cắp ô về” làm việc không hiệu quả?

GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang: Theo tôi 30% công chức làm việc không hiệu quả không chỉ sẽ gây thiệt hại về nguồn lương cho ngân sách Nhà nước, mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân với đội ngũ công chức trong bộ máy Nhà nước.

PV: Theo ông tại sao chúng ta có đầy đủ một bộ máy quản lý hành chính công từ Trung ương đến cơ sở, mà vẫn xảy ra tình trạng hàng trăm công chức không làm được việc?

GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang: Tôi nghĩ rằng trong bộ máy Nhà nước của chúng ta chưa xây dựng được tiêu chuẩn hoá công việc của cán bộ công chức, nên đã dẫn đến tình trạng một vị trí làm việc đáng lẽ ra chỉ cần một người làm, nhưng thực tế lại có đến 3 hoặc 4 người cùng làm. Và việc nhiều người cùng làm một việc sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy lẫn nhau, cùng với đó cán bộ công chức không tự mình vươn lên, không tự mình học tập tu dưỡng để có thái độ phục vụ nhân dân...

PV: Lương của công chức hiện nay được tính theo ngạch bậc, nên những người công tác lâu năm sẽ có tiền lương cao hơn những người mới. Tuy nhiên, có một thực tế tại nhiều cơ quan đó là có những người mới vào hiệu quả làm việc của họ cao hơn rất nhiều người vào trước, nhưng mức lương lại bị thấp hơn. Vậy theo ông chế độ lương thưởng có phải là một trong những nguyên nhân khiến công chức không cố gắng phấn đấu hay không?

GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang: Tôi nghĩ chế độ lương theo ngạch bậc là hoàn toàn lạc hậu, không phù hợp với tình hình hiện nay. Theo tôi, xét lương của đội ngũ cán bộ công chức cần phải tính đến sự phức tạp của công việc đó, tức tính chất phức tạp đến đâu sẽ được hưởng lương đến đó. Hoặc khi họ thực hiện một nhiệm vụ nào đó phải được hưởng một mức lương tương xứng, mức lương này phải đảm bảo nuôi họ và nuôi gia đình.

PV: Vậy theo ông giải pháp cho vấn đề tuyển dụng hiện nay là gì?

GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang: Tôi cho rằng vấn đề tuyển dụng hiện nay đang rất bất hợp lý. Xuất phát từ việc không xác định được tính phức tạp của công việc, nên trong các cơ quan người lãnh đạo đều muốn mình phải có nhiều người để giải quyết công việc, tuy nhiên công việc đó có khi lại không yêu cầu như vậy. Chính việc này dẫn đến tình trạng tuyển công chức một cách ồ ạt, trong đó có cả những cán bộ công chức không đạt tiêu chuẩn, trình độ năng lực để thực hiện công vụ của Nhà nước.

Để thay đổi tình trạng này, tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất vẫn phải tiêu chuẩn hoá công việc của bộ máy Nhà nước, từ đó xác định mỗi công chức vào làm thì phải làm những việc gì trong cơ quan đó và được hưởng mức lương bao nhiêu? Từ đó, mới tuyển dụng được những cán bộ công chức có chất lượng để phục vụ công việc.

Mời quí vị theo dõi nội dung chi tiết cuộc trao đổi qua VIDEO dưới đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước