Đắng lòng... "con đường mía"

Tấn Quýnh-Thứ ba, ngày 12/03/2013 13:31 GMT+7

Mía của người dân thu hoạch xong nhưng không đưa đi tiêu thụ được. (Ảnh: Báo nld)

  Mía chất đống hai bên đường chờ lịch vào nhà máy khiến những người nông dân ở Khánh Hoà đắng lòng.

"Con đường mía" là cái tên đã trở nên quen thuộc ở nhiều làng trồng mía tỉnh Khánh Hòa. Những ngày này, sau khi thu hoạch xong mía của bà con nông dân đang phải nằm phơi nắng trên đường vài ngày, thậm chí cả tuần. Lượng mía tồn đọng một thời gian dài mới được vào nhà máy đang đẩy nông dân vào cảnh khó khăn, trong khi đó niên vụ mía đường này, nông dân vốn đã gặp bấp bênh về thu nhập.

Theo ước tính của người nông dân, sau thu hoạch nếu mía không được chuyển luôn về nhà máy, mức suy giảm sản lượng sẽ lên đến 30%. Đó là chưa nói chữ đường cũng sẽ bị giảm sút, tuy nhiên nhưng những xe chở mía về nhà máy của công ty Đường Khánh Hòa lại không do nông dân quyết định mà theo lịch nhà máy.

Năm nay, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện nghiêm việc giảm tải trọng xe chở mía, tải trọng tối đa được phép chở không quá 1,5 lần so với tải trọng chính của xe. Lẽ đương nhiên, tốc độ giải phóng mía ra khỏi vùng nguyên liệu đưa về nhà máy không thể nhanh, nếu như không tăng đầu xe.

Chỉ tính riêng xã Ninh Tân, từ đầu vụ thu hoạch đến giờ người dân đã thu hoạch được 1.600 ha mía, tuy nhiên mọi người lại liên tục bức xúc về khâu vận chuyển. Và đó cũng là tình trạng chung ở hầu hết các vùng nguyên liệu mía tỉnh Khánh Hòa - địa phương có 17 ngàn ha mía.

Với mong muốn không bị ách tắc trong khâu tiêu thụ, không ít nông dân phải bỏ tiền để bồi dưỡng các xe chở mía. Như vậy, năm nay trong khi công thu hoạch mía không tăng lên, giá mía bảo hiểm chỉ còn 920.000 đồng/tấn 10 chữ đường - giảm 100.000 đồng so với năm ngoái, nhưng giờ đây nông dân lại phải thêm chi phí trong khâu vận chuyển.

Ông Nguyễn Sỹ Liễm, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, cho biết:Theo tôi, phải có đầu xe nhiều hơn, để giải quyết lượng mía cho nông dân theo lịch nhà máy. Tiếp theo nhà máy phải sắp xếp khoa học hơn để giải quyết trọng tải với mía tại bãi, không để tồn đọng”.

Hiện tại, ngành mía đường đang gặp khó khăn, khi giá đường tại các nhà máy là 14.000 đồng/kg, giá mía chỉ còn 900 đồng/kg. Trong khi đó, lượng đường tồn kho hơn 300 ngàn tấn càng gây áp lực cho sản xuất mía đường. Áp lực này cũng đang đè nặng lên người trồng mía, nhất là khi cách thức tiêu thụ nguyên liệu đang làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận.

Ngày nào mía chưa bán được, công việc duy nhất của những người trồng mía lúc này chỉ là chờ đợi. Và người dân không thể không xót xa khi sau một năm trời trồng mía, đến lúc thu hoạch, giờ mía lại phải chất đống bên đường và phơi khô dưới nắng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước