Không được cài cắm câu chữ để "bẫy" doanh nghiệp

Quang Hiệu, Chí Trung (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 28/02/2018 21:21 GMT+7

VTV.vn - Các Bộ cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh phải thực chất, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng và các Bộ ngành về việc cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu và cắt giảm các điều kiện kinh doanh sáng nay (28/2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng là phải tạo ra cải cách, chuyển động mạnh mẽ hơn nữa để thu hút đầu tư, tạo dòng chảy kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã công bố tiến độ rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính của từng Bộ, trong đó Bộ Công Thương và Bộ Y tế được đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều Bộ vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Đối với các mặt hàng còn bị kiểm tra chồng chéo bởi nhiều cơ quan, Bộ trưởng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng là tinh thần 1 mặt hàng chỉ giao 1 cơ quan chủ trì kiểm tra. Hiện vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải chạy từ Hải Phòng vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi lại ra Hà Nội làm thủ tục, có mặt hàng thì Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra nhưng lại phải xin giấy phép của Bộ Công Thương.

Đối với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết hiện số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm so với trước nhưng vẫn còn nhiều. Qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu các Bộ gương mẫu cắt bỏ giấy phép con, các điều kiện kinh doanh, việc cắt giảm phải thực chất chứ không giảm cơ học thuần túy, không chỉ sửa câu chữ, không bỏ cái này mọc cái khác và không cài cắm câu chữ để gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhắc nhở Bộ Giao thông Vận tải là chưa hoàn thành việc thí điểm thi công 1km đường cao tốc để xác định đơn giá thi công thực tế nhất để áp dụng dù nhiệm vụ Thủ tướng giao từ rất lâu. Bộ Tài nguyên và Môi trường thì mới trình được kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 của 30/63 tỉnh thành, làm ảnh hưởng tới chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước và địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước