Lắng nghe ý kiến của trẻ em trước khi sửa đổi, bổ sung Luật

Linh Chi-Thứ sáu, ngày 10/05/2013 17:42 GMT+7

Lần đầu tiên, trẻ em Việt Nam được tham gia đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hoạt động lấy ý kiến của trẻ em đối với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức thời gian qua. Ngày 9/5 kết quả thăm dò ý kiến trẻ em vào bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được công bố.

Là một trong những nước đầu tiên ký công ước về quyền trẻ em, tuy nhiên Việt Nam lại là 1 trong số 6 nước trên thế giới có quy định về độ tuổi của trẻ em là dưới 16 tuổi, thấp hơn quy định của công ước là 18 tuổi. Việc nâng độ tuổi đang được bàn bạc, trong quá trình sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong quá trình sửa đổi lần này, lần đầu tiên, trẻ em Việt Nam sẽ được đóng góp ý kiến của mình về bộ luật của chính các em.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Chắc chắn là phải lắng nghe ý kiến của trẻ em, bởi theo quy định của công ước trẻ em có một quyền rất quan trọng là quyền được tham gia. Vì thế đây là lần đầu tiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quốc hội tổ chức việc thăm dò lấy ý kiến của trẻ em”.

‘Ảnh minh họa

Triển khai trong hai tháng, hoạt động thăm dò được thực hiện trên ba kênh chính: Mạng internet, đường dây nóng qua điện thoại và phát phiếu trực tiếp. Đã có hơn 34.000 trẻ em tham gia vào việc đóng góp ý kiến cho 2 nội dung chính là sửa đổi độ tuổi và Tổ chức diễn đàn trẻ em quốc gia hàng năm. Kết quả đợt thăm dò ý kiến lần này cho thấy, 90% số trẻ em được hỏi mong muốn được tham gia diễn đàn và bày tỏ ý kiến của mình

Em Tôn Nguyễn Minh Uyên, Hà Nội có ý kiến: “Vấn đề mà em đang quan tâm nhất và đặt lên hàng đầu là vấn đề bảo vệ trẻ em. Khi mà em nói ra ý kiến của mình, suy nghĩ và chia sẻ của mình em rất mong muốn người lớn sẽ cùng giúp em để có hành động ngăn chặn những xu hướng xấu có thể xảy ra với trẻ em”.

Những ý kiến của Uyên cũng như của hơn 34.000 trẻ em khác, sẽ được gửi tới các đại biểu quốc hội - Những người sẽ trực tiếp sửa đổi và hoàn thiện thêm Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng kết quả này trong quá trình cung cấp thông tin cho đại biểu quốc hội. Khi các đại biểu quốc hội xem xét sửa Luật thì phải quan tâm đến những văn bản, minh họa đính kèm lý do vì sao cơ quan soạn thảo lại đề xuất”.

Bà Funakoshi Mina, quyền giám đốc Plan tại Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ, đây là 1 hoạt động rất cần thiết trong việc thực hiện quyền trẻ em. Lắng nghe ý kiến của các em là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng trong việc bảo vệ các em. Khi chúng ta lắng nghe các em, chúng ta sẽ biết được các em cần gì và các em nghĩ gì về quyền của chính mình. Từ chỗ thấu hiểu, chúng ta mới có thể tiến đến thay đổi bộ Luật và có những hành động tiếp theo”.

Theo đánh giá, Trong 4 quyền của trẻ em: Quyền được sinh tồn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia thì khó nhất là vấn đề thúc đẩy làm sao để trẻ em có thể thực hiện được quyền tham gia của mình.

Việc thu thập ý kiến của các em một cách bài bản để đóng góp vào việc sửa đổi Luật lần này, chính là một bước tiến quan trọng trong quá trình giúp trẻ em Việt Nam thực hiện quyền được tham gia của mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước