Lỏng lẻo công tác phòng dịch tai xanh

Trung Hiếu -Thứ hai, ngày 08/04/2013 22:24 GMT+7

 Tại Hà Tĩnh, dịch lợn tai xanh bệnh lây lan không chỉ từ ý thức của người dân mà còn do công tác quản lý phòng dịch chưa chặt chẽ.

Đã gần 20 ngày khi trường hợp đầu tiên lợn mắc dịch tai xanh ở Hà Tĩnh được phát hiện, tình hình dịch bệnh mặc dù có dấu hiệu chững lại, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan.

Công tác phòng dịch ở một số địa phương của tỉnh Hà Tĩnh vẫn bộc lộ nhiều sở hở. Không chỉ xuất phát từ ý thức của người dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh còn xảy ra do công tác quản lý phòng dịch của cơ quan chức năng nhiều nơi còn chưa chặt chẽ.

Sau 2 tuần khi dịch bệnh xảy ra tại xã Cẩm Bình - tâm điểm vùng dịch tại Hà Tĩnh, số lợn chết do dịch vẫn không ngừng gia tăng. Ngay giữa vùng dịch, một số hộ chăn nuôi phải tự xử lý xác lợn chết mà không có sự giám sát nào của cơ quan y tế. Hộ có đất thì chôn ngay trong vườn nhà, hộ không có thì mang chôn bừa bãi, kể cả ở những khu vực thuận lợi cho mầm bệnh lây lan.

‘Người dân chôn lợn bệnh gần hệ thống tưới tiêu ngoài ruộng (Ảnh: VTV News)

Chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Vì lợn ốm nhiều ngày rồi nên chết bốc mùi rất thối. Nhà tôi cũng đã xin chôn sớm nhưng thú y không cho, bảo đợi đã. Vì lợn chết đột xuất nên phải chôn ở bờ ruộng".

Ông Nguyễn Văn Duẫn, Trưởng thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên chi biết: “Chúng tôi đã đề nghị các hộ dân đưa ra bãi để chôn lấp nhưng các gia đình đã khẳng định có thể đảm bảo được vấn đề vệ sinh, đảm bảo an toàn không để lây lan dịch bệnh, do vậy chúng tôi vẫn chấp nhận để các gia đình tự chôn".

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây lan hoặc tái phát dịch từ những điểm chôn lấp lợn bệnh không an toàn, việc thiếu chặt chẽ trong kiểm soát hoạt động buôn bán lợn tại thời điểm này cũng khiến dịch bệnh có thể phát tán trên diện rộng.

‘Ảnh VTV News

Trong hàng chục chốt kiểm soát ở các xã xảy ra dịch như Cẩm Bình, Cẩm Hòa huyện Cẩm Xuyên vẫn có chốt không có người túc trực. Ngay trong vùng dịch, có nơi người mua lợn vẫn đang hoạt động, đặc biệt không ít hộ chăn nuôi ở các xã lân cận vùng dịch đang bán đổ, bán tháo lợn của mình.

Ông Dương Văn Tri, Phó giám độc Cơ quan thú y vùng 3 cho biết: “Việc giết mổ hoặc buôn bán lợn ở các địa phương giáp vùng dịch là hết sức nguy hiểm, vì mặc dù chưa phát bệnh, nhưng trong lợn đã có mầm bệnh và virus. Chính quyền địa phương phải công bố dịch, vì chỉ khi công bố dịch, vành đai miễn dịch cũng như các khuyến cao mới có ý nghĩa”.

Đến nay tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa công bố dịch trên địa bàn, trong khi đó nguy cơ mầm bệnh phát tán từ các hộ sống ven vùng dịch hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngày 2/4, tại xã Cẩm Dương, địa phương giáp ranh với xã vùng dịch Cẩm Hòa đã có 3 hộ chăn nuôi phát hiện lợn nhiễm bệnh. Đặc biệt, một lượng lớn lợn thịt ở xã này đã được thương lái thu mua từ nhiều ngày trước đó để mang đi tiêu thụ ở nơi khác.

Sau gần 20 ngày xảy ra dịch ở Hà Tĩnh, bệnh tai xanh đã lan truyền trên 6 xã thuộc 3 huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Thạch Hà.


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước