Tấm lòng cựu binh Mỹ với mẹ Việt Nam Anh hùng

Như Ngọc-Thứ sáu, ngày 29/03/2013 16:44 GMT+7

Nhà điêu khắc Jim Gion bên bức tượng mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhứt. Ảnh: VTV

 Từng tạc hàng trăm bức tượng lớn nhỏ, vậy mà với nhà điêu khắc, cựu chiến binh Jim Gion, lần tạc tượng này vẫn là một thử thách mới mẻ, bắt nguồn từ cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh, mất mát lớn lao của người mẹ Việt Nam trong chiến tranh.

Sau chiến tranh, có những nỗi đau và mất mát không thể nào nguôi ngoai theo thời gian, nhưng lòng bao dung, nhân hậu thì có thể làm cho những con người từng đối đầu trở nên gần gũi bởi cùng thấu hiểu cái giá phải trả để có hòa bình hôm nay. Câu chuyện về tấm lòng của một cựu chiến binh, nhà điêu khắc người Mỹ dành cho mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhứt, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam sẽ giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn điều này.

Một sự tình cờ đã đưa Nhà điêu khắc Jim Gion đến Quảng Nam để làm công việc đặc biệt: Tạc tượng mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhứt, 96 tuổi. “Đây là cơ hội cho tôi hiểu được đời sống của người Việt Nam trong chiến tranh, họ phải chịu đựng bao nhiêu, mẹ Việt Nam Anh hùng mất mát quá nhiều trong chiến tranh. Khi được làm tượng, tôi thấy may mắn và xúc động”, Nhà điêu khắc Jim Gion chia sẻ.

Ở vùng quê Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, không ai là không biết mẹ Nhứt. Sáu lần tiễn người thân ra trận, năm lần chia ly vĩnh biệt. Bản thân mẹ đã nhiều lần nuôi giấu cán bộ, vì những trận đòn tàn bạo của quân thù mà thành mù lòa vĩnh viễn.

Tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng Jim Gion cũng là một cựu chiến binh nên ông hiểu thế nào là sự tàn khốc của chiến tranh. Nếu lần trở lại Việt Nam đầu tiên vào năm 2000 của ông là vì nỗi ám ảnh chiến tranh thôi thúc, thì lần này là sự tri ân qua tác phẩm điêu khắc của mình.

Nhà điêu khắc Jim Gion kể: “Năm 2000 khi tôi trở lại Việt Nam, tôi sợ người Việt Nam sẽ ghét tôi, nhưng tôi rất ngạc nhiên vì thấy họ rất thân thiện, từ đó tôi biết tôi sẽ còn cơ hội trở lại Việt Nam nhiều lần. Chắc vẫn còn nhiều người Việt Nam không thích người Mỹ, không thể tha thứ, nhưng có nhiều người tha thứ”.

Công việc hàng ngày của Jim chỉ gói gọn trong không gian nhà mẹ Nhứt, nhưng qua trò chuyện, ông càng thêm cảm phục những con người sống nghĩa tình và giàu lòng nhân hậu.

Bà Nguyễn Thị Nải, vợ liệt sĩ, con dâu mẹ Nguyễn Thị Nhứt cho biết: “Mẹ con từ hồi chiến tranh mấy mươi năm đi đâu cũng mẹ với con thôi. Ba năm trở lại đây mẹ nằm một chỗ, tôi vẫn chăm sóc, có cháu dâu sửa soạn, đỡ đần”.

Cũng trong ngôi nhà này, một người từng là lính Mỹ, một người từng là dũng sĩ diệt Mỹ. Giờ đây, điều họ chia sẻ không phải là cái nhìn về cuộc chiến, mà là tình cảm thiêng liêng dành cho mẹ và những người không trở về sau chiến tranh.

Ông Lê Nguyên Hồng, Dũng sĩ diệt Mỹ, con trai mẹ Nguyễn Thị Nhứt chia sẻ: “Sự hy sinh của mẹ đối với chúng tôi không có từ nào diễn tả có thể đền đáp nổi, mà chỉ là làm thế nào để con cháu quây quần cho mẹ vui và sống lâu”.

Một tuần lưu lại nhà mẹ Nhứt mới chỉ để hoàn thiện tượng thạch cao trước khi Jim mang về Bình Dương đúc đồng. Jim bảo, sau chuyến đi này, trong hành trang tiếng Việt còn khá khiêm tốn của ông đã có thêm những từ mới như: “mẹ Việt Nam Anh hùng”, “tha thứ”, “hy sinh” - những từ ngữ mà Jim phải trải qua một đời lính trẻ và cả trải nghiệm của một người đàn ông nay đã ở tuổi ngoài 60 mới có thể thấu hiểu.

Mời quý vị xem Video chi tiết tại đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước