Tham nhũng vặt trong khu vực công đang gia tăng

VTV News-Thứ năm, ngày 13/06/2013 15:06 GMT+7

 Hiện tượng tham nhũng vặt trong lĩnh vực công ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đỗ Ngọc Quang, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển - Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam, đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2012. Tại buổi lễ một phát hiện mới được công bố đó là hiện tượng tham nhũng vặt trong khu vực công có xu hướng gia tăng.

Những con số liên quan đến hiện tượng tham nhũng vặt được công bố không khiến cho nhiều người ngạc nhiên, vì trên thực tế hiện tượng này xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực như y tế, giáo dục, hành chính công…

Nhóm khảo sát cũng đưa ra mức lót tay khi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến quận/huyện là từ 37.000 đồng - 146.000 đồng/lần; ở giáo dục tiểu học công lập là từ 98.000 - 572.000 đồng/học sinh/học kỳ. Điều đáng buồn là số người đồng tình với việc phải có tiền lót tay ngày càng tăng. Nếu như năm 2011, số người đồng tình lót tay khi xin việc vào cơ quan Nhà nước là 29%, đến năm 2012 con số này tăng lên đến 44%.

Theo ước tính, nếu chỉ tính mức thấp nhất là 123.000 đồng cho một lần lót tay để xin cấp giấy chứng nhận sử dụng đất thì chỉ cần 17% trong tổng số khoảng 6 triệu giấy chứng nhận sẽ được cấp trong năm 2013 có tiền lót tay, số tiền đã lên đến khoảng 6,5 triệu USD.

‘ Ảnh minh hoạ

Đề cùng bàn luận về vấn đề tham nhũng vặt trong khu vực công, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đỗ Ngọc Quang, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển - Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

PV: Thưa GS.TS Đỗ Ngọc Quang, khái niệm tham nhũng vặt với nhiều người vẫn còn khá là mới mẻ. Trước khi phân tích về hiện tượng này, ông có thể giải thích những hành vi như thế nào được gọi là tham nhũng vặt?

GS.TS Đỗ Ngọc Quang: Ngoài các hành vi đưa tiền lót tay cho những người trong bộ máy công quyền, còn có những hành vi khác được gọi là tham nhũng vặt như: Sử dụng xe công, giả mạo giấy tờ và các loại tài liệu có liên quan đến Nhà nước để phục vụ cho các lợi ích cá nhân; những hành vi bao che cho người khác trong hoạt động tư pháp; lợi dụng chức quyền của mình tác động đến những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp…

PV: Việc nhiều người đi khám bác sỹ, đi xin học, xin việc, đi xin xác nhận giấy tờ … đều chuẩn bị phong bì lót tay cho nơi mình đến và việc này đang dần được người dân coi là bình thường. Theo ông, tình trạng này sẽ gây ra những hậu quả gì cho xã hội?

GS.TS Đỗ Ngọc Quang: Tôi ví dụ những người trong bộ máy công quyền có hành vi tham nhũng vặt nhiều lần như thu 10.000, 20.0000… 100.000 đồng sẽ dẫn đến việc người dân ngày càng không tin vào bộ máy công quyền, không tin vào bộ máy Nhà nước. Đặc biệt nếu chuyện này diễn ra phổ biến ở tất cả các lĩnh vực sẽ dẫn đến những nghi kị trong xã hội, với những hậu quả cực kỳ lớn.

PV: Vậy theo ông, nguyên nhân khiến cho tình trạng tham nhũng vặt ngày càng trở nên phổ biến là gì?

GS.TS Đỗ Ngọc Quang: Nói về nguyên nhân của tình trạng tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng có rất nhiều nguyên nhân có thể kể đến, ví dụ như lương cán bộ công chức thấp, không đủ nuôi gia đình; chế độ kiểm tra, kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới không đến nơi đến chốn, dẫn đến việc cấp dưới lộng hành trong các hoạt động tiếp xúc với người dân.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là do hệ thống pháp luật còn nhiều sơ hở. Chúng ta có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng chưa phát huy hết sức mạnh của luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng.

PV: Chúng ta đã có rất nhiều những giải pháp để ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt. Tuy nhiên, hiệu quả cũng rất khó đo đếm và tham nhũng vặt vẫn không thuyên giảm theo nghiên cứu chúng tôi nêu ra ở đầu chương trình. Vậy theo ông, chúng ta cần giải pháp gì để có thể ứng phó hiệu quả hơn?

GS.TS Đỗ Ngọc Quang: Theo tôi để hạn chế mức thấp nhất hoặc xoá bỏ tham nhũng vặt phải có rất nhiều biện pháp. Ngoài các biện pháp trong Luật Phòng, chống tham nhũng cần phải có các biện pháp khác như động viên người dân tố cáo hành vi tham nhũng của đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền; cơ quan báo chí truyền thông nên đăng tải những thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng vặt bằng cách công bố tên, địa chỉ cơ quan những người có hành vi tham nhũng vặt…

Rất cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi!

Mời quí vị theo dõi VIDEO nội dung chi tiết cuộc trao đổi của phóng viên VTV với GS.TS Đỗ Ngọc Quang dưới đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước