Thúc đẩy triển khai các dự án giao thông quan trọng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 25/07/2019 19:39 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

VTV.vn- Chiều 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nhằm thúc đẩy một số dự án hạ tầng, qua đó gỡ điểm nghẽn cho sự phát triển của các địa phương.

Ngay sau khi lãnh đạo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Hà Nội kiến nghị Trung ương sớm triển khai đầu tư các dự án lớn về giao thông tại buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vào ngày 24/7 tại Yên Bái, chiều nay (25/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ để quyết định phương hướng và chủ trương đầu tư một số dự án giao thông quan trọng.

Chia sẻ với khó khăn của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua các buổi làm việc giữa Tiểu ban kinh tế - xã hội với các địa phương trong thời gian qua đều nổi lên nhu cầu cấp bách về phát triển giao thông, nếu các dự án không được thúc đẩy triển khai sớm, mọi việc sẽ tiếp tục luẩn quẩn, không có lối ra. Trong đó, có tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, tuyến cao tốc từ Hữu Nghị đến Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng và tuyến cao tốc từ Hòa Bình đến Mộc Châu, tỉnh Sơn La cùng với việc nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên.

Trên tinh thần, những việc gì phải thực hiện ngay ở nhiềm kỳ này, thì không để đến nhiệm kỳ sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, nhất là Bộ Giao thông vận tải phải có cách làm mới theo nguyên tắc làm nhanh, nhưng không làm ẩu, làm trái pháp luật, kịp thời hơn nhưng không làm sai quy trình, để đề xuất với Chính phủ quyết định những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông lớn kết nối liên vùng và sớm triển khai các dự án giao thông cấp bách. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định về chủ trương sẽ sử dụng tiền vượt thu ngân sách của năm nay để cấp đủ vốn cho dự án cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận, nhằm không để công trình này do thiếu vốn mà chậm tiến độ. Nhắc lại mục tiêu đến năm 2020, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải được cơ bản thông xe và đầu năm 2021 sẽ khánh thành, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và với 20 triệu đồng bào ở Đồng bằng sông Cửu Long về hoàn thành nhiệm vụ này.

Còn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải đầu quý 3 tới, phải khởi công 2 đoạn ở miền Bắc, miền Trung và cầu Mỹ Thuận ở đồng bằng sông Cửu Long. Bộ cùng cần phải phối hợp tốt với 13 tỉnh thành mà con đường này đi qua trong giai đoạn đầu để hoàn thành giải phóng mặt bằng ngay trong năm nay và đầu năm sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao các Bộ sớm làm việc với các ngân hàng để bảo đảm cung cấp đủ vốn cho dự án cao tốc từ Chi Lăng đến Hữu Nghị ở tỉnh Lạng Sơn vì đây là một hợp phần quan trọng của tuyến cao tốc từ Bắc Giang đến Hữu nghị. Thủ tướng khẳng định lại chủ trương sẽ hỗ trợ tỉnh Cao Bằng sớm khởi động dự án cao tốc từ Lạng Sơn đến Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, dài 115 km. Với quyết tâm cao, tỉnh Cao Bằng đã phát động mỗi cán bộ, công chức quyên góp 1 tháng lương và tỉnh cũng sẽ tiết kiệm chi, dành dụm khoảng 5.000 tỷ đồng để xây dựng con đường là lối ra quan trọng nhất cho phát triển của Cao Bằng.

Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ về việc hết sức cần thiết xây dựng cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì xem xét báo cáo tiền khả thi để cuối năm 2020 đầu năm 2021 có thể khởi công dự án này và hoàn thành trước năm 2024. Về đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng quyết định để Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam triển khia đầu tư trong thời gian sớm nhất, không được để chậm trễ thêm nữa. Vì đây vừa là mong mỏi của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, vừa là sân bay có ý nghĩa chiến lược. Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành và công bố quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài với công suất 100 triệu khách, vì hiện nay sân bay này đã bắt đầu quá tải. Thủ tướng cũng nhất trí để Hà Nội chủ động chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng để khi cần mở rộng sân bày này là thực hiện được ngay. Nếu không sân bay Nội Bài sẽ gặp phải tình trạng như sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, quá tải nhưng việc mở rộng quá chậm chạp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước