Vấn đề nóng nào sẽ được nhắc đến trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ?

VTV News-Thứ hai, ngày 14/11/2016 17:09 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ảnh: VPQH)

VTV.vn - Các vấn đề nóng như kẽ hở trong quy trình bổ nhiệm, tinh giản biên chế, giải pháp ngăn chặn nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"… đang được cử tri hết sức quan tâm.

Từ ngày 15/11 - 17/11, lãnh đạo Chính phủ cùng 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội để làm rõ các vấn đề mà cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ chịu trách nhiệm trả lời các câu hỏi về lĩnh vực nội vụ.

Dư luận hiện đang dành sự quan tâm đặc biệt đến nhóm vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân trong đánh giá chế độ công vụ, công chức và đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Cùng nhìn lại những vấn đề nóng mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tới lĩnh vực nội vụ.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ còn phù hợp với thực tiễn?

Thời gian qua có không ít cán bộ được bổ nhiệm được cho là đúng quy trình nhưng dư luận lại không đồng tình, không ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân quy trình bổ nhiệm cán bộ không có lỗi, mà lỗi xảy ra thường do những người có trách nhiệm thực hiện quy trình đó.

Việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh đang đặt ra không ít câu hỏi trong dư luận. Trong gần 4 năm, từ Phó Văn phòng Bộ Công Thương lên Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Thậm chí ông Thanh còn được giới thiệu để bầu vào Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với tỉ lệ trên 75%, cao nhất ở Hậu Giang.

GS.TS. Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: "Quá trình thăng tiến của ông Thanh có gì đó không bình thường. Đằng sau đó phải có sức mạnh nào đó, có bàn tay nào đó đã dọn đường đi nước bước cho ông để lọt qua những quy trình của công tác cán bộ khá chặt chẽ".

Thông tin 8 người thân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh được bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo tại Hà Giang cũng đã được báo chí phản ánh thời gian qua. Bí thư Triệu Tài Vinh đã xác nhận thông tin trên và khẳng định tất cả việc bổ nhiệm đều đúng quy trình. Ông cũng cho biết chính ông từng cản nhiều lần việc bổ nhiệm này, nhưng rồi không thể từ chối được.

Mới đây nhất, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa vợ vào diện quy hoạch để làm Cục phó. Bên cạnh đó, một vài vị trí lãnh đạo khác ở cấp chi cục và phòng cũng là người nhà với vợ chồng ông Cục trưởng. Người đứng đầu đơn vị này cho rằng đã làm đúng quy trình, bởi hiện tại chưa có quy định cấm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tuyển dụng, bổ nhiệm người thân của mình.

Điểm chung của nhiều vụ việc mà dư luận thắc mắc, hoài nghi xoay quanh cụm từ "đúng quy trình" và "được tập thể tín nhiệm". Cả dư luận và cơ quan làm công tác cán bộ phải đặt câu hỏi: Cần phải xem quy trình đó có còn phù hợp với thực tiễn và những yêu cầu về đổi mới công tác cán bộ hay không?

'Bổ nhiệm đúng quy trình' như cái 'áo chống đạn' "Bổ nhiệm đúng quy trình" như cái "áo chống đạn"

VTV.vn - Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trên báo Giao thông số ra hôm nay (23/9) về việc bổ nhiệm cán bộ.

Tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ

Ở đợt 1 năm 2016, Việt Nam đã giảm được hơn 5.400 công chức trong toàn bộ bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất nhỏ so với tổng số công chức đang làm việc. Hơn nữa, quá trình tinh giản biên chế vẫn diễn ra khá khó khăn. Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục thực hiện rà soát, đề ra phương án giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) từng đánh giá đội ngũ cán bộ nhiều nhưng chưa chất lượng nên tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng cán bộ là yếu tố hết sức quan trọng: "Trong các nhóm vấn đề chất vấn thì nhóm vấn đề tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng công chức, phục vụ nhân dân, đổi mới công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được nêu ra là rất chính đáng vì công tác tổ chức cán bộ là khâu then chốt, yếu tố quyết định cho mọi vấn đề.

Cho nên, qua nhiều phiên thảo luận ở Quốc hội, chúng ta vẫn nhìn nhận, đánh giá là bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc cần thu gọn. Đội ngũ cán bộ nhiều nhưng chưa chất lượng, cần tinh giản, rà soát, đánh giá lại để bộ máy thật gọn, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu. Thực tế này không phải bây giờ mới đề cập mà kéo dài qua nhiều kỳ họp rồi".

"Đây là chất vấn mở đầu một nhiệm kỳ Quốc hội nên rất có ý nghĩa. Nó góp phần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tìm giải pháp, tạo ra sự quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị để làm xoay chuyển tình hình" - đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết.

Nhận diện và ngăn chặn nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"

Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu cũng quan tâm tới việc thực hiện 4 nhóm giải pháp mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đây cũng là chủ đề đã được báo chí bình luận và phân tích nhiều thời gian qua bởi Nghị quyết này là lần đầu tiên Đảng đã chỉ rõ những hành vi "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" để từ đó có các biện pháp phòng ngừa và chấn chỉnh.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho biết: "Nếu có cơ hội, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thực hiện 4 nhóm giải pháp mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Chắc chắn Chính phủ và Quốc hội sớm muộn sẽ thể chế hóa bằng pháp luật chủ trương này của Đảng".

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn của lãnh đạo Chính phủ cùng 4 Bộ trưởng sẽ được tiến hành trong 2,5 ngày (từ 15/11 đến 17/11). Các phiên chất vấn của Quốc hội sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 và tường thuật trực tuyến trên VTV News. Mời Quý vị đón xem!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước