Văn hóa ứng xử của ngành đường sắt đã chuyển biến ra sao?

Bảo Linh-Thứ bảy, ngày 07/06/2014 20:02 GMT+7

Bộ GTVT đang quyết tâm Tái cơ cấu ngành đường sắt. Đây là một đề án lớn cần nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên có một việc làm có thể làm ngay để giúp hành khách có cái nhìn thiện cảm hơn với ngành đường sắt chính là thay đổi văn hóa ứng xử. Vậy văn hóa ứng xử ở ngành đường sắt đã thay đổi như thế nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết sau.

“4 xin” là xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn, “4 luôn” là luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ. Một tuần đã trôi qua kể từ khi phong trào thay đổi văn hóa ứng xử với hành khách của ngành đường sắt được khởi động, thế nhưng, tại một số nhà ga, hành khách đã bắt đầu nhận thấy những chuyển biến, tất nhiên là còn rất nhiều việc phải làm, vì đã quá lâu, ngành đường sắt dường như làm việc trong cơ chế bao cấp.

‘ Ngành đường sắt Việt Nam đang hướng tới hình ảnh thân thiện hơn.

Nguyễn Duy Anh Minh - Kiến An - Hải Phòng cho biết: “Ở Ga Long Biên, các cô chú nhiều lúc nói năng không hợp lý, có khi còn vé không bán, khiến cho không ít khách đi taxi đến rất vội, đến nơi cứ đứng trực mua vé nhưng không mua được. Người ta lại phải lên tàu chạy hết toa này đến toa khác rất là mệt”.

Còn Bà Tôn Thu Nga - Hà Nội bức xúc: “Sát giờ khách hàng còn nhiều người yêu cầu mua vé trong khi đó nhân viên thì cứ đứng nghe điện thoại. Chúng tôi giục nhân viên khẩn trương để chúng tôi lấy vé không sát giờ tàu quá rồi thì họ quay lại nói là cứ chờ đấy. Thái độ ứng xử với khách hàng như vậy là không nhiệt tình”.

Còn Bà Trần Thị Yên ở Giảng Võ - Hà Nội cho rằng: “Có thể nhận thức của họ đã bị phân hóa rồi. Vì thế, việc thay đổi cách ứng xử cũng phải từ từ, chứ tiến bộ vượt bậc thì chưa có đâu”.

Khá nhiều hành khách cho rằng thực hiện “4 xin, 4 luôn” không khó có thể làm ngay, dù ở một số nhà ga, một số ít nhân viên ngành đường sắt có sự chuyển biến chậm, song nhiều hành khách vẫn kỳ vọng việc này không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà phải là hành động cụ thể.

Việc tái cơ cấu tổ chức lại bộ máy, nguồn lực, tổ chức kinh doanh và đầu tư của ngành đường sắt đòi hỏi phải có thời gian. Tuy nhiên, một nụ cười hay một hành động nhỏ thân thiện như thế nếu có thể trở thành văn hóa ứng xử hàng ngày sẽ có thể cải thiện phần nào hình ảnh tụt hậu chậm đổi mới cũng như sự sống còn của ngành đường sắt. Từ khẩu hiệu đến hành động cần tới sự thay đổi nhận thức của từng cán bộ công nhân viên trong ngành.

Mời các bạn theo dõi video chi tiết:


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước