Việt Nam nỗ lực cùng quốc tế xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 13/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đã có những nỗ lực, giải pháp gì để chấm dứt lao động trẻ em, tăng cơ hội học tập của các em và đảm bảo đời sống vật chất tinh thần, tâm lý cho trẻ em?

500.000 trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm

Lao động trẻ em là một thực trạng diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ khác nhau về mức độ. Việt Nam hiện ghi nhận được tới 1 triệu trẻ em dưới 17 tuổi đang phải lao động trái pháp luật, chiếm 5,3% tổng số trẻ em trong cả nước. Trong đó có hơn 500.000 trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tình trạng này có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển tâm lý của trẻ, hạn chế các cơ hội học tập của các em và ảnh hưởng đến cơ hội việc làm bền vững của các em.

Dù đây vẫn là vấn đề lớn, nhưng kết quả này đã là nỗ lực không ngừng của Việt Nam. Cách đây 10 năm, con số này là gần 10%, tức là khoảng 2 triệu trẻ phải lao động trái pháp luật.

Việt Nam đang trong quá trình phấn đấu sau 2 năm nữa, đưa tỉ lệ lao động trẻ em xuống chỉ còn khoảng 4%. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm vì đang có 15% trẻ em phải lao động trái pháp luật là tới các thành phố lớn làm việc, còn lại tập trung ở vùng nông thôn, với công việc trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, hoặc công nghiệp- xây dựng. Và đâu đó vẫn còn nhiều góc khuất.

Việt Nam nỗ lực cùng quốc tế xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em - Ảnh 1.

Cô bé Lành có 4 chị em. Chị cả của Lành bị mù và bại não. Chị gái thứ 2 cũng đã bỏ học để đi làm. Bố nghiện rượu và cờ bạc. Mọi trang trải cho cuộc sống hàng ngày phần lớn chỉ trông vào số tiền mẹ kiếm được từ việc bán vé số. Lành bỏ học để đi làm kiếm tiền. Nhưng em đã bị lừa đưa vào một cơ sở massage trá hình.

Việc lựa chọn đi làm sớm để phụ giúp gia đình là câu chuyện của nhiều trẻ em, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn.

Giá trị đóng góp của lao động trẻ em không cao, nhưng hậu quả do thực trạng này lại kéo dài. Và đó chính là vòng luẩn quẩn kéo dài của đói nghèo, lạc hậu.

Đối với trẻ em ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều em phải bỏ học đi làm để kiếm tiền giúp gia đình. Thế nhưng ở thành phố, cũng có một "kiểu" lao động trẻ em đang khá là thịnh hành đó là KOL trẻ em, những người nổi tiếng nhí, trẻ em có tầm ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm.

Nỗ lực của Việt Nam trong việc kéo giảm tình trạng lao động trẻ em

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em. Một trong những biện pháp hiệu quả là hợp tác quốc tế.

Các dự án hợp tác quốc tế này tập trung giải quyết nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng lao động trẻ em - đó là nghèo đói. Hỗ trợ sinh kế cho các gia đình dễ bị tổn thương hay định hướng nghề nghiệp để trẻ tham gia lao động một cách phù hợp và an toàn, theo đúng quy định của pháp luật.

Gần 6000 em tại 3 tỉnh thành phố là lao động trẻ em hoặc có nguy cơ trở thành lao động trẻ em đã được hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề. 1600 hộ gia đình được hỗ trợ cải thiện sinh kế.

Đó là kết quả sau 8 năm thực hiện dự án hỗ trợ kĩ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu Lao động trẻ em tại Việt Nam (ENHANCE) do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam thực hiện.

Mô hình sinh kế được triển khai tại các địa phương có tỉ lệ cao trẻ em tham gia lao động - để ngăn ngừa việc gián tiếp thúc đẩy trẻ em đi làm sớm. Trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái là nhóm đối tượng có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác do hủ tục tảo hôn, gia cảnh khó khăn, bạo lực gia đình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy Ban dân tộc đã phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO triển khai dự án "Chúng tôi có thể" tại 3 tỉnh là Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, và sẽ có thêm Cao Bằng và Kon Tum.

Việt Nam nỗ lực cùng quốc tế xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em - Ảnh 2.

Sau hơn 2 năm thực hiện, hơn 16 ngàn học sinh dân tộc thiểu số đã tiếp tục được đi học. 4.500 phụ huynh là bà con dân tộc thiểu số đã hiểu hơn về tầm quan trọng của giáo dục với con em mình.

Trong hơn 3 thập niên qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu rất lớn về xóa đói giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nỗ lực của Việt Nam trong việc kéo giảm tình trạng lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng vừa đã có đánh giá tích cực.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á và thứ hai trên Thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1990.

Việt Nam đã và đang cam kết thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách.

Kết quả của nỗ lực này là trong số 1 triệu lao động trẻ em, đã có 63% trong số này đã được tiếp cận giáo dục, tăng 20% so với giai đoạn 2012 trở về trước.

Để xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục, lâu dài, có sự tham gia của nhiều chủ thể, từ Nhà nước, cộng đồng, cho đến gia đình, các bậc cha mẹ và bản thân trẻ em.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước