Người phụ nữ Việt Nam trong ca khúc

Theo Nhạc sĩ Dân Huyền/VOV-Thứ hai, ngày 29/02/2016 10:28 GMT+7

VTV.vn - Có thể khẳng định, hình tượng người phụ nữ Việt Nam xuyên suốt trong nhiều ca khúc cách mạng, họ hiện lên trong âm nhạc với vẻ đẹp vốn có...

Có thể khẳng định, hình tượng người phụ nữ Việt Nam xuyên suốt trong nhiều ca khúc cách mạng. Họ hiện lên trong âm nhạc với vẻ đẹp vốn có và đã trở thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Cùng với giai đoạn của lịch sử, chân dung của họ qua âm thanh ngày càng được phong phú và hoàn thiện. Giai điệu âm thanh ngày càng có ý nghĩa hơn, giàu sức thuyết phục hơn khi họ đã và đang luôn luôn là đề tài hấp dẫn cho văn nghệ bởi chính cái đẹp tiềm ẩn. Họ là phái đẹp

Do điều kiện sống và sáng tác nên khi xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong mỗi ca khúc của mình, các nhạc sĩ đều có cách nói riêng hấp dẫn thông qua những giai điệu thật sự thuyết phục.


Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên trong âm nhạc với vẻ đẹp vốn có và đã trở thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên trong âm nhạc với vẻ đẹp vốn có và đã trở thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm.

Cho tới nay, ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là tính anh hùng ca trong các ca khúc Việt Nam hiện đại, viết về người phụ nữ: Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã nêu bật phẩm giá cao đẹp của người anh hùng Võ Thị Sáu, thà chết chứ không chịu khuất phục trước kẻ thù trong bài "Biết ơn chị Võ Thị Sáu"(1958). Nhạc sĩ Hoàng Hiệp lại thông qua một việc làm âm thầm, bền bỉ của người phụ nữ qua hàng chục năm dài với hình tượng “Mẹ vẫn đào hầm từ lúc tóc còn xanh, nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc” qua bài hát “Đất quê ta mênh mông” dựa ý thơ của Dương Hương Ly để nói lên phẩm chất anh hùng ấy.

Nếu trong tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và Hoàng Hiệp, đối tượng miêu tả là những người phụ nữ có thật trong đời sống thì nhiều bài hát khác, hình ảnh người phụ nữ lại được tái tạo một cách điển hình trong nhiều bình diện đa chiều của hiện thực đời sống: Đó là lòng quả cảm vượt qua hiểm nguy của các cô gái giao liên đưa các chiến sĩ ra ngoài mặt trận trong bài: “Qua sông” (1963) của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.


(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Đó là những niềm vui yêu đời của những cô gái thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn đi cứu nước trong các bài hát “Cô gái mở đường” (1966) của nhạc sĩ Xuân Giao, “Đường Trường Sơn xe anh qua” (1971) của nhạc sĩ Văn Dung,. Đó là những cô gái đối mặt với đạn bom góp phần làm nên chiến thắng trong các bài hát: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của Lư Nhất Vũ (1968), Dân quân Châu yên bắn rơi máy bay (1967) của Trọng Loan...

Ngoài ra, những đội quân tóc dài gián tiếp tham gia góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc cũng có khá nhiều hình ảnh người phụ nữ tiêu biểu đẹp đẽ trong các bài hát như: Gửi gắm tình cảm yêu thương của người ở hậu phương đông lại nồng ấm ở “Bài ca may áo”, “Chiếc khăn tay” đều của nhạc sĩ Xuân Hồng, “Khâu áo gửi người chiến sĩ” của Nguyễn Đức Toàn, “Đường cày đảm đang” của An Chung, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý, “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc” của Thuận Yến...

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc toàn thắng, đất nước thống nhất, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được các nhạc sĩ mô tả dưới nhiều hình thức tâm trạng đời thường khác nhau. Thông qua sợi tóc trắng, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện muốn đề cập tới những thăng trầm gian khó mà người mẹ phải gánh chịu trong bài hát “Người mẹ”.

Những tâm trạng đau buồn vì những mất mát do chiến tranh để lại mà mỗi người mẹ đều phải cắn răng chịu đựng trong bài hát “Người mẹ của tôi” của nhạc sĩ Xuân Hồng “Nước mắt mẹ không còn, để khóc những đứa con lần lượt ra đi mãi mãi”... Hình ảnh người phụ nữ tập trung nhất, cảm động nhất những gì đã đọng lại trong bài hát “Mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên được thể hiện với nốt nhạc trầm hùng, tha thiết tái hiện được vẻ đẹp cao quý của người mẹ trong nỗi đau như hóa đá trước việc “Biết mấy chờ mong từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại”.


Hình ảnh người phụ nữ tập trung nhất, cảm động nhất những gì đã đọng lại trong bài hát “Mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên. (Ảnh minh họa)

Hình ảnh người phụ nữ tập trung nhất, cảm động nhất những gì đã đọng lại trong bài hát “Mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên. (Ảnh minh họa)

Với ca khúc “Đất nước” Phạm Minh Tuấn khắc họa sự hy sinh thầm lặng trong tiết tấu hùng ca tha thiết, trầm lắng “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im”.

Hình ảnh người phụ nữ với thiên chức trời phú trong quan hệ tình mẫu tử cũng được các nhạc sĩ tạo ra nhiều bài hát được công chúng rất yêu thích. Một số ca khúc khai thác từ chất liệu hát ru vốn đã trở thành truyền thống của dân tộc, được bảo tồn phát huy qua nhiều thế hệ. Các nhạc sĩ khai thác từ vốn ca dao dân ca, từ các âm tiết tiếng Việt vốn mang đặc trưng khá đặc biệt: thanh điệu phân chia một cách hài hòa trong hai nhóm bằng trắc, tạo nên tiết tấu nhịp nhàng, uyển chuyển phù hợp với lối hát ru. Ví như “Mẹ yêu con” (1956) của Nguyễn Văn Tý, “Địu con đi nhà trẻ” (1968) của Đào Ngọc Dung, “Lời ru trên nương” (1971) của Trần Hoàn, thơ Nguyễn Khoa Điềm...

Thập kỷ 90 của thế kỷ XX, với hình tượng người mẹ cũng có nhiều bài hát gây được ấn tượng cho người nghe như “Khúc hát ru của người mẹ trẻ” của Phạm Tuyên, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Lời ru cho con của Xuân Phương, “Lời ru mùa đông” của Đặng Hữu Phúc, “Đất nước lời ru" của Văn Thành Nho…

Tôi chưa rõ vì sao bây giờ ít có bài hát hay về người Mẹ? Có thể nét nhạc hiện đại ngày nay khó thể hiện tâm tình của Mẹ vốn dịu dàng thắm thiết? Tôi biết các nhạc sĩ trẻ cũng đang ấp ủ, tìm ra một phong cách riêng mà thể hiện tốt đề tài này để được khán giả và thính giả nhất là những người Mẹ yêu thích.

Đất nước ngày càng đổi mới trong sự nghiệp xây dựng, hòa nhập và bảo vệ Tổ Quốc, chúng ta hy vọng các nhạc sĩ sẽ còn sáng tác nhiều bài hát hay về hình ảnh của người phụ nữ mới – Những người vốn “Hay lam hay làm” và “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước