Nhà báo Dương Bình Nguyên và ca sĩ kiêm tác giả Đồng Lan. Dương Bình Nguyên cho biết Đồng Lan là một trong những tác giả tham gia Bài hát Việt anh ấn tượng nhất trong năm 2012 (Ảnh: ST)
Ngày 2/2 tới đây, đêm chung kết Bài hát Việt năm 2012 sẽ chính thức diễn ra với cuộc cạnh tranh của 15 ca khúc xuất sắc nhất trong năm. Đây cũng là liveshow khép lại cuộc tìm kiếm của chương trình trong năm thứ 8. Nhà báo Dương Bình Nguyên - một trong 4 khách mời sẽ tham gia bình luận trong đêm chung kết Bài hát Việt, cho biết 2012 là một năm mà những sáng tác và tác giả tham gia đã tạo được nhiều sắc màu.
Trong năm 2012, anh là người tham gia vào nhiều liveshow của Bài hát Việt trong vai trò khách mời bình luận. Đứng ở vị trí này cũng như của một người làm báo, anh thấy những ca khúc của Bài hát Việt trong năm 2012 như thế nào?
- Năm 2012 đánh dấu một sự thay đổi tương đối rõ nét của Bài hát Việt, không đi vào những dòng truyền thống với dòng chảy của dân gian đương đại, gắn liền với những tên tuổi như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến… Năm nay những ca khúc của dân gian đương đại đã vắng bóng và được thay thế bởi một thế hệ những nhạc sĩ trẻ hơn và sáng tác của họ cũng đa diện hơn. 2012 cho thấy sắc màu của âm nhạc đa dạng hơn rất nhiều và tôi nghĩ đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để tìm ra được một gương mặt nổi bật hẳn và tạo được dấu ấn trong lòng công chúng như những năm trước thì những tác giả năm nay chưa làm được điều đấy.
Theo anh lý do là gì?
- Theo tôi thì có 2 lý do, một là chất lượng của các nhạc sĩ, họ chưa đủ sức tạo được sự nổi bật như vậy. Thứ 2 là sự quảng bá của truyền hình. Những năm trước chương trình phát sóng trên VTV3, đây là kênh có lượng khán giả tập trung cao hơn.
Khi nãy anh nói những sáng tác của các tác giả Bài hát Việt đa dạng hơn, nhưng một số tác giả đã tham gia Bài hát Việt lại nói họ thích Bài hát Việt như những năm trước hơn – tuy không gần gũi và khó nghe nhưng cảm thấy chất lượng hơn. Những ca khúc 2 năm trở lại đây có thể hòa nhập thị trường tốt hơn nhưng lại không có sức nặng và sự nổi bật so với những năm trước. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi không nghĩ một tác phẩm được giải phải là một tác phẩm khó nghe hay hàn lâm thì mới được đánh giá cao. Tôi thích một cái gì đó đơn giản, nhẹ nhàng nhưng có sức nặng của đời sống. Với tôi như thế thuyết phục hơn. Nói gì thì nói một tác phẩm nghệ thuật được sáng tác ra để dành cho công chúng và công chúng số đông bao giờ cũng là những người tiêu thụ lớn nhất. Và nếu bạn cho rằng ca khúc đó nó phải học thuật thì nó phải thuộc về giải thưởng của Hội nhạc sĩ chứ không phải giải thưởng của Bài hát Việt. Bài hát Việt là sân chơi cho những người sáng tác mà trong đó những tác giả có thể là nghiệp dư, đến từ những ngành nghề khác, không phải người đã hoàn toàn chuyên nghiệp và sáng tác của họ phục vụ cho số đông.
Tôi nghĩ những ca khúc được giải thưởng Bài hát Việt cần gần gũi hơn với công chúng thì mới chính xác. Những ca khúc như các bạn nói đấy nó chỉ có vấn đề là chưa có sức nặng về sự trải nghiệm, chưa có đủ sức nặng để ghi dấu ấn trong lòng công chúng và điều này phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm chứ không phải gần gũi hay xa hơn với công chúng. Tôi lấy ví dụ như Bà tôi của Nguyễn Vĩnh Tiến, thoạt nghe chúng ta thấy có vẻ như nó hàn lâm nhưng về ca từ và giai điệu rất dễ nghe và dễ nhớ và đó có thể coi như hình ảnh tiêu biểu cho sự thành công của một ca khúc của Bài hát Việt. Nó không yêu cầu phải quá cầu kỳ về kỹ thuật thanh nhạc hay kỹ thuật xướng âm.
Những điều như anh nói - vừa gần gũi, vừa chất lượng- anh có thấy nó hội tụ trong 15 ca khúc của năm nay?
- Có chứ! Tôi nghĩ mất cả một năm trời để lựa chọn ra 15 ca khúc là một sự lựa chọn khắt khe rồi. Năm nay có một số ca khúc tôi thấy hay và không có gì khó nghe cả như Sài Gòn cà phê sữa đá, Cánh diều ngược gió… và một số những ca khúc khác mà tôi thấy tương đối hay. Những ca khúc này đều có ca từ đẹp và thông điệp của nó cũng rất rõ ràng.
Vậy điểm anh cho là nổi trội nhất mà Bài hát Việt 2012 tạo được là gì?
- Năm 2012 có sự thay đổi lớn về phần phối khí, phần phối khí thật sự là giúp nhiều bài hát và thật sự là điểm nổi trội của Bài hát Việt. Ngoài ra, tôi thấy có một xu hướng mới tại Bài hát Việt là ca sĩ tự sáng tác và thể hiện ca khúc của mình. Những ca khúc đấy không hề đơn giản, chúng được sáng tác có chủ đích và thông điệp rõ ràng. Đấy là một dấu hiệu đáng mừng.
Là một phóng viên mảng Văn hóa, đã theo dõi Bài hát Việt có thể nói là từ những năm đầu tiên cho đến bây giờ. Vậy sau 8 năm, anh thấy điểm nổi bật nhất mà Bài hát Việt đã làm được?
- Điều lớn nhất đó là Bài hát Việt đã trở thành một địa chỉ tin cậy để các nhạc sĩ trẻ ở khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, gửi những sáng tác đầu tay, sáng tác mới. Đây là chương trình trước nay ở Việt Nam chưa hề có. Và không phải khen ngợi quá nhưng từ Bài hát Việt ta thấy được một thế hệ nhạc sĩ mới đã xuất hiện và họ tiếp nối nhau để tạo nên một diện mạo trẻ cho âm nhạc Việt Nam. Bạn có thể thấy nhiều nhạc sĩ xuất thân từ Bài hát Việt như Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Hải Phong, Lê Cát Trọng Lý… Hiện tại họ đã là những gương mặt rất có trọng lượng của âm nhạc Việt Nam trong những năm gần đây.
Tất nhiên, có những thời điểm Bài hát Việt tụt xuống do chất lượng ca khúc không tốt nhưng sau 8 năm, Bài hát Việt đã trở thành một sân chơi có ý nghĩa cho những nhạc sĩ trẻ. Vì khi người ta mới viết người ta rất mông lung và không phải ai cũng có một người thầy ở bên cạnh để hướng dẫn, đánh giá và đưa cho họ những nhận xét. Tôi nghĩ Bài hát Việt giống như một lò lửa để những tác giả mới thử nghiệm, để biết mình làm như vậy đã được chưa và so với những người khác có tốt hơn không. Và, ít nhất là họ cũng có được những chọn lựa từ các thành viên Hội đồng thẩm định và khán giả. Tôi không dám nói là những lựa chọn ấy là chính xác 100% nhưng nó là những lựa chọn mang tính rất đương thời. Đấy là điều đáng ghi nhận.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đêm chung kết Bài hát Việt sẽ diễn ra vào 21h ngày 2/2 tại thành phố Hồ Chí Minh. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào một ngày sau đó, 3/2. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam.