Đối với ông, Cửa sổ âm nhạc là nơi mà nhạc sĩ Dương Thụ muốn công chúng có thể thấy rõ nhất chân dung âm nhạc của mình.
Mấy năm gần đây cứ đến mùa cuối năm công chúng lại thấy nhạc sĩ “mở cửa sổ”. Đó là một thói quen hay ông nhận thấy mình cần những khoảng thở mới?
- Tôi làm chương trình nhiều rồi, nhưng là cho ca sĩ và các tác giả khác. Còn mình thì người khác làm cho (VTV, phòng trà ở TP.HCM, Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ, các ông bầu tư nhân…). Từ năm 2012 tôi muốn tự mình làm lấy chương trình cho mình, cho nó đúng với mình hơn. Có thể do ít tiền, ít tài trợ, mình chưa thể làm cho thỏa sức nhưng ít nhất những gì diễn ra trên sân khấu đều là lựa chọn của mình. Hay dở cũng là mình, nó thật, tôi thích như thế.
Có một thực tế là các bài hát của ông đã có một đời sống dài và công chúng đã quen với những bản thu cũ. Giờ làm khác, cho dù với ông nó sẽ chất lượng hơn, nhưng công chúng có dễ dàng tiếp nhận?
- Khi biên tập tôi để ý nhiều đến phần phối khí. Nó đã tốt rồi thì thay đổi làm gì. Chỉ có một số rất ít bài đã làm ở chương trình Cửa sổ âm nhạc 1 tôi đưa vào chương trình lần này vì những lý do đặc biệt, mình phải làm mới hoàn toàn về phần phối, lặp lại thì kỳ cục lắm.
Vả lại người nghe Việt Nam, cái họ nhớ chủ yếu vẫn là giai điệu. Một bài phối tốt dù nó khác vẫn không làm mất đi cái chủ yếu đó nên tôi không thấy có vấn đề lắm. Công chúng có học thức thích sự đa dạng, họ chỉ không thích sự “xuyên tạc” thôi.
Vậy ở Cửa sổ âm nhạc số 3 này, ông muốn đem đến điều gì?
- Cũng như hai chương trình trước, tôi muốn người nghe đến với mình gần hơn, họ được nghe nhạc của tôi qua một “góc nhìn” khác, thật hơn. Người thích nghe nhạc mình là những người bạn. Bạn là sự thấu hiểu. Để bạn thêm hiểu mình, cái cảm giác cô đơn bớt đi, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc.
Có một điều hơi lạ là âm nhạc của Dương Thụ đã từng có bệ phóng đỉnh cao là TP.HCM nhưng suốt nhiều năm qua, Cửa sổ âm nhạc vẫn chỉ mở ở Hà Nội?
- Tôi nghĩ vấn đề chính là kinh phí. Trước đây tôi từng làm chung với nhạc sĩ Bảo Chấn ở TP.HCM thì những chuyện như thế này là rất dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ gặp khó khăn khi ra Hà Nội. Bây giờ thì ngược lại, ê kíp của tôi lại ở Hà Nội và chuyện đi lại, ăn ở suốt nhiều ngày cho bao chục con người nếu vào đây thì là chuyện rất khó. Không đùa được.
Được đến với khán giả TP.HCM là một giấc mơ của tôi. Tôi lập nghiệp ở đây, bạn nghề đầu tiên là ở đây, công chúng đầu tiên và chủ yếu của tôi là ở đây. Sự phổ biến tác phẩm của mình cũng là ở đây. Tôi rất tiếc.
Ngoài những danh ca rất nổi tiếng trong âm nhạc của Dương Thụ,như Mỹ Linh, Bằng Kiều, Nguyên Thảo, Khánh Linh, còn thấy thêm những người trẻ trong chương trình sắp tới, như: Hà Linh, Vũ Thắng Lợi, Nhật Thủy và Trần Nguyễn Minh Đức. Họ “quen” như thế nào trong âm nhạc của ông?
- Với riêng tôi, Hà Linh là người được chọn. Cô ấy không chỉ có giọng hát mà là một nghệ sĩ thực sự. Cũng như những người đến trước, những ca sĩ mà mọi người gọi là diva ấy, Hà Linh cảm nhận được những gì tôi viết, ở mức độ có thể gọi là sâu sắc.
Vũ Thắng Lợi được phát hiện khi cậu ấy hát ở giải Âm nhạc Cống hiến (do báo Thể thao & Văn hóa, TTXVN tổ chức – PV). Một giọng tenor có chiều sâu nội tâm chứ không phải chỉ có kỹ thuật tốt như chúng ta thường nghe. Cậu ấy có những tố chất phù hợp với nhạc thính phòng đương đại.
Trần Nguyễn Minh Đức có cái gì đó giống như Hà Linh, nhưng không phải là ca sĩ chuyên nghiệp. Là kiến trúc sư, từng tu nghiệp ở Italy nhưng rất say mê âm nhạc, cậu ấy có những suy nghĩ nghệ thuật khá giống tôi, rất hiểu và cảm nhận được những gì tôi viết.
Nhật Thủy thì tôi nghe ở chương trình Toyota Classics, hát với dàn nhạc giao hưởng khá ổn, có kỹ thuật tốt. Tôi biết cô là quán quân Vietnam Idol và là người có tham vọng. Một người như thế cần cho họ một thử thách.
Bốn bạn trẻ đến với chương trình, tôi muốn dành cho họ sự trọng thị và cả hy vọng của mình. Mong họ cùng với nhiều ca sĩ trẻ khác mà tôi chưa nhớ tên hoặc chưa biết đến, trở thành ca sĩ của ngày hôm nay, để “cái âm nhạc của ngày hôm nay” không bị mai một.
Chúng ta nhớ đến nhạc tiền chiến bởi có Thái Thanh, Minh Đỗ, Ngọc Bảo..., nhạc kháng chiến bởi có Thương Huyền, Mai Khanh, nhạc miền Bắc trước 1975 bởi có Tân Nhân, Khánh Vân, Trần Khánh, Trung Kiên... nhạc Sài Gòn trước 1975 bởi có Bạch Yến, Khánh Ly, Lệ Thu...
Sao lại phải hy vọng? Bởi bây giờ các ca sĩ đổ xô đi hát “nhạc xưa”, phần còn lại thì là nhạc thị trường mác phương Tây & Hàn Quốc. Tôi thấy buồn lắm.
Sau 2 lần mở cửa trước, ông có niềm tin vào lần mở cửa thứ 3?
- Cứ làm đi bạn ạ. Mọi thành công hay thất bại đều ở phía trước.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Chương trình Cửa sổ âm nhạc số 3 - Bài hát ru mùa Đông của nhạc sĩ Dương Thụ sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 13/12 tới. Tham gia biểu diễn là những ca sĩ đã gắn bó với âm nhạc của Dương Thụ như Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Khánh Linh cùng các giọng ca trẻ: Hà Linh, Vũ Thắng Lợi, Nhật Thủy, Trần Nguyễn Minh Đức. Cũng trong chương trình lần này sẽ xuất hiện giọng ca rất được chờ đợi: Bằng Kiều.
Chương trình cũng có sự tham gia của Mỹ Anh (con gái Mỹ Linh - Anh Quân) và Hợp xướng thiếu nhi Young Heat Young Beat; Dàn nhạc thính phòng Hà Nội Chamber Orchestra với nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành cùng Ban nhạc nhẹ Anh Em với nhạc sĩ Anh Quân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!