Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung, mọi chị em nên biết

P.V, icon
02:29 ngày 19/04/2018

VTV.vn - Tuy rất nguy hiểm nhưng ung thư cổ tử cung lại được đánh giá là dễ phòng ngừa và cho kết quả sàng lọc cao, hoàn toàn có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Ung thư cổ tử cung bắt đầu từ sự phát triển bất thường của các tế bào tại lớp lót cổ tử cung. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, biểu hiện bệnh ung thư có thể khác nhau với mức độ nặng dần. Một số triệu chứng bệnh có thể gặp ở giai đoạn tiến triển bệnh là chảy máu âm đạo bất thường, dịch âm đạo bất thường, đau lưng, đau hông, chảy máu khi quan hệ…

Theo những số liệu thống kê gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung đang tăng nhanh chóng. Vì thế chị em nên tham khảo những biện pháp phòng bệnh dưới đây để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh.

Tiêm vắc xin HPV

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, HPV (Human Papollimavirus) là virut gây u nhú ở người lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục, kể cả tiếp xúc bằng tay với bộ phận sinh dục và quan hệ tình dục bằng miệng. 

Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung, mọi chị em nên biết - Ảnh 1.

Virus HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung

Đây là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung và có mặt ở khoảng 90% ca mắc bệnh. Hiện có khoảng trên 100 loại vi rút HPV được tìm thấy thì có tới 40 loại có thể lây qua đường hậu môn, sinh dục và khoảng 15 loại có khả năng gây bệnh ung thư, trong đó HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng vi rút chính gây ung thư cổ tử cung.

Tiêm vắc xin HPV là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Tiêm vắc xin HPV có hiệu quả cao cho nữ giới chưa quan hệ tình dục. Kể cả nữ giới đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm phòng HPV nhưng vắc xin chỉ có hiệu quả khi nữ giới chưa nhiễm loại vi rút này.

Độ tuổi tiêm vắc xin được khuyến cáo là từ 9 – 26 tuổi bao gồm 3 mũi tiêm, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 – 2 tháng, mũi thứ 3 cách mũi đầu khoảng 6 tháng.

Quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ tình dục sớm

Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục sớm là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 

Nguyên nhân được giải thích là do khi bắt đầu quan hệ tình dục là nữ giới đã có khả năng lây nhiễm HPV. Mặt khác do tuổi đời còn trẻ nên họ còn thiếu nhiều kiến thức về an toàn tình dục, do đó càng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Sinh con ở độ tuổi hợp lý

Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung, mọi chị em nên biết - Ảnh 2.

Việc sinh con ở độ tuổi hợp lý cũng là cách giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

Phụ nữ sinh con ở độ tuổi quá trẻ, trước 17 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường. Ngoài ra, sinh con thứ 3 trở lên là nữ giới đã có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp đôi so với những nữ giới khác.

Theo các bác sĩ, độ tuổi sinh con hợp lý là từ 20 – 27 tuổi. Việc sinh con trong độ tuổi hợp lý sẽ giúp chị em phòng tránh được nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung.

Không lạm dụng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai vẫn thường được nữ giới sử dụng như một biện pháp tránh thai nhanh và không gây khó chịu. Tuy nhiên, nếu sử dụng chúng quá thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm cả tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Có lối sống sinh hoạt khoa học, ăn uống đủ chất

Ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi vào chế độ ăn uống hàng ngày, giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng kéo dài có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Một số loại thực phẩm tốt cho phòng bệnh ung thư cổ tử cung là đu đủ, quả mâm xôi, trà xanh, cà rốt, cá hồi, nghệ, bông cải xanh…

Khám phụ khoa, sàng lọc ung thư định kì

Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung, mọi chị em nên biết - Ảnh 3.

Sàng lọc ung thư định kì là biện pháp hiệu quả giúp phát hiện sớm bệnh

Thực tế, có rất nhiều yếu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Vì vậy, khám sức khỏe và sàng lọc ung thư sớm cần được quan tâm để có thể phát hiện những bất thường ở cổ tử cung ngay ở giai đoạn loạn sản, tiền ung thư.

2 xét nghiệm trong sàng lọc ung thư cổ tử cung phổ biến là xét nghiệm Pap smear và xét nghiệm HPV.

Chị em cần tới các bệnh viện uy tín để làm các xét nghiệm, kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh (nếu có).

Cùng chuyên mục