Đôi khi vì đường ướt, hay một vài lỗi đánh lái nào đó, mà tay đua sẽ gặp tai nạn và ảnh hưởng tới sự an toàn của các tay đua còn lại. Khi đó là thời điểm mà xe an toàn phải vào đường đua, để kiểm soát tốc độ của các tay đua cho đến khi tình huống nguy hiểm qua đi. Tất nhiên, nếu không có nguy cơ xảy ra tai nạn, xe an toàn sẽ không tham gia vào cuộc đua, nhưng cũng có những chặng, xe an toàn phải xuất hiện hơn 3 lần.
Xe an toàn cũng đóng vai trò quan trọng với chiến thuật của các đội. Khi xe an toàn xuất hiện và cờ vàng được vẫy, các tay đua sẽ đi sau xe an toàn với vận tốc như nhau, không được quyền vượt. Điều đó sẽ khiến khoảng cách của các tay đua dẫn đầu so với nhóm sau bị thu hẹp đáng kể, và tạo cơ hội cho những pha tấn công. Đã có những tay đua ở vị trí thấp dần vươn lên nhờ biết cách tận dụng sự cố này, tuy nhiên cũng có những người khác bảo toàn được vị trí khi xe an toàn xuất hiện ở cuối chặng, khiến không có bất cứ pha vượt nào được diễn ra.
Xe an toàn đã có mặt trong các cuộc đua công thức 1 từ những năm 70 của thế kỷ trước, với nhiệm vụ gần giống ngày nay nhưng chỉ được chính thức coi là một thành phần của giải đua từ năm 1994, sau tai nạn của Ayrton Senna. Từ đó đến nay, đã có một số hãng sản xuất như Opel, Honda, Lamborghini, Ford và Mercedes được chọn để làm xe an toàn. Từ năm 2004 đến hiện tại, xe an toàn đều là từ hãng Mercedes. Để lái xe an toàn, những kỹ thuật viên cũng phải tuân theo một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về luật hay các kỹ thuật lái.