Giá dầu ít biến động bất chấp căng thẳng Vùng Vịnh

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Chủ nhật, ngày 28/07/2019 10:05 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp rất nhiều căng thẳng, đụng độ tại Vùng Vịnh, giá dầu biến động rất ít, thậm chí có lúc còn đi xuống.

Giá dầu Brent hiện đang dao động xung quanh mức 63 USD/thùng, một thực tế khiến không ít nhà phân tích cảm thấy như bị việt vị. Bởi vào thời điểm cuối năm 2018, tức là từ trước khi xảy ra tất cả những sự cố như phá tàu chở dầu, bắn máy bay không người lái rồi bắt tàu của nhau tại Vùng Vịnh, nhiều người đã dự đoán rằng giá dầu có thể lên tới 120 USD/thùng, thậm chí còn hơn. 

Báo Arabnews phải đặt câu hỏi: Phải chăng giá dầu không còn là chiếc nhiệt kế phản ánh sức nóng tại Vùng Vịnh? Theo trang báo, dù diễn biến tới đây có là gì, giá dầu cũng lên đến khoảng 80 USD/thùng là kịch. Đã đến lúc Trung Đông phải thừa nhận thực tế, khu vực này không còn là nhà sản xuất dầu chính của thế giới nữa. Với dầu khí đá phiến, Mỹ hiện mới là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Chưa nói đến việc sản lượng của các quốc gia không ở trong OPEC cũng ngày càng tăng. Đến năm 2020, mức sản lượng họ có thể vươn tới là khoảng 2,1 triệu thùng/ngày. 

Mỗi lần Vùng Vịnh căng thẳng, thế giới lại cảm thấy lo ngay ngáy. Eo biển Hormuz là nơi 1/3 lượng dầu của thế giới được trung chuyển qua mỗi ngày. Nhưng những gì đúng trong quá khứ thì chưa chắc đã còn đúng trong hiện tại.

Báo Daily Star của Lebanon cho rằng, giá dầu hiện trên 60 USD/thùng, đấy là đã nhờ các căng thẳng tại Vùng Vịnh đẩy lên rồi, nếu không giá dầu còn thấp hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2011. Trong khi, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc lại còn một lượng khá lớn dầu dự trữ còn đang nằm trong kho. 

Lẽ di nhiên, nếu Trung Đông chiến tranh, nguồn dầu bị gián đoạn hết cả thì giá dầu không thể yên ổn được. Nhưng hiện các nhà đầu tư lại không cảm thấy lo ngại vì điều đó. 

Đa số hiện nay đều tin rằng sẽ không thể có một cuộc đụng độ công khai nào giữa Phương Tây và Iran bởi cả hai đều hiểu như thế sẽ không phía nào là được lợi cả. 

Với những yếu tố vừa kể trên, không có gì là khó hiểu việc OPEC vẫn quyết giữ cam kết cắt giảm sản lượng bất chấp ngần ấy những căng thẳng tại Vùng Vịnh. Song sau những bước đi đó, người ta nhận thấy OPEC đang thất thể như thế nào trong kiểm soát giá dầu.

Tuần báo Arab cho biết, với sự gia tăng sản lượng của dầu khí đá phiến cũng như các quốc gia sản xuất dầu không nằm trong OPEC, thị phần của OPEC trên thị trường dầu mỏ dự kiến sẽ sụt giảm xuống dưới 30% trong thời gian tới, một điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1991 đến nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước