Điều này được dự báo sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may và da giày xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tới đời sống hàng loạt công nhân.
Chưa có hạn chế nào của châu Âu và Mỹ về việc dừng nhập hàng dệt may, da giày từ Việt Nam. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong cuộc họp vào chiều 20/3. Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, xu hướng chính là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi.
Đây đơn thuần là quyết định của các doanh nghiệp mua hàng tại các thị trường này. Việc hoãn, hủy đơn hàng là do nhiều quốc gia đang đóng cửa nhập cảnh, giảm đáng kể các kênh phân phối và nhu cầu tiêu dùng do dịch COVID-19. Được biết, Mỹ và EU là hai thị trường chủ lực của xuất khẩu dệt may Việt Nam hiện nay.
Trước tình hình các doanh nghiệp dệt may trong nước đang gặp khó, nhiều lao động đã chấp nhận lĩnh 70% lương và tiếp tục ở lại làm việc. Người lao động ngành dệt may quyết tâm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp da giày đã lên những kịch bản ứng phó, dự báo trước thiệt hại, đặc biệt là xác định một số hướng đi mới trong thời gian tới. Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã đưa ra ý kiến, hướng giải quyết trước tình hình hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!