Năm 1943, dưới ách thống trị 1 cổ 2 tròng của thực dân Pháp, phát xít Nhật, 90% người dân mù chữ, đời sống tinh thần xã hội ngột ngạt, nhiều trí thức Việt Nam có phần hoang mang, bi quan, bế tắc. Đảng ta xác định, việc cần kíp ngay lúc này là thống nhất nhận thức, tư tưởng định hướng học thuật cho văn sĩ tri thức xây dựng phong trào văn hóa cứu quốc, nhằm đập tan chính sách ngu dân, âm mưu đồng hóa văn hóa của thực dân Pháp, và tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đi theo cách mạng. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Đảng ta đã sớm khẳng định vai trò của văn hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, coi đây là 1 trong 3 mặt trận cùng với chính trị, kinh tế, văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ trên mặt trận ấy. 3 nguyên tắc của văn hóa mới Việt Nam là dân tộc, khoa học và đại chúng. Trong đó, nguyên tắc dân tộc được đặt lên hàng đầu.
Ngay sau đó, Đảng ta đã thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, thu hút, tập hợp, động viên những trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước đi theo cách mạng. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 mang sứ mệnh lịch sử như sự chuẩn bị đêm trước Cách mạng, khẳng định vai lãnh đạo không thể thay thế của Đảng với cách mạng văn hóa: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Bản đề cương còn thể hiện tầm nhìn về tương lai cách mạng, văn hóa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chỉ ngắn gọn, xúc tích khoảng 1.500 từ, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa đã khởi nguồn cho cả một nền "văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa" đâm chồi, nảy lộc, nở hoa, kết trái. 8 thập kỷ trôi qua, tính chất soi đường của Bản đề cương vẫn vẹn nguyên giá trị với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!