Hội nghị không chỉ nhìn lại những thành công, quan trọng hơn là đúc rút những bài học kinh nghiệm có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Từ đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp đối với công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực thời gian tới. Bởi đây là một đấu tranh khó và phức tạp nhưng khó mấy cũng phải làm.
Chưa bao giờ, một hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng lại được tổ chức với quy mô lớn như vậy, với 500 đại biểu dự họp trực tiếp, hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện rất rõ qua những con số vụ án vụ việc được điểu tra truy tố xét xử, là số lượng người bị kỷ luật, hay số tiền bất minh được thu hồi. Nhưng có một con số khác, vì đó là một trong những mục tiêu cuộc đấu tranh cam go này hướng đến: 93% người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng - đây là kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành.
Với hơn 60 phút phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định thông điệp: phòng chống tham nhũng tiêu cực là phong trào, xu thế, không thể đảo ngược và sẽ không "ngừng", không "nghỉ".
Phát biểu vừa rồi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhiệm vụ giải pháp đầu tiên được Tổng Bí thư nhắc đến trong 5 nhóm giải pháp cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới. Điều này đã cho thấy ưu tiên hàng đầu đối với yêu cầu nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hoá, biến chất, đặc biệt vai trò người đứng đầu.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Một quan điểm nhất quán trong 10 năm qua luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phòng chống tham nhũng, tiêu cực có thành công hay không, phụ thuộc vào sự tham gia của đảng viên, sự ủng hộ của nhân dân và thành công ấy cũng chính là làm cho Đảng trong sạch, là đóng góp cho sự phát triển, phục vụ đất nước, nhân dân.
10 năm qua, hàng chục ngàn vụ án bị đưa ra xét xử, hàng ngàn cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị xử lý hình sự… Thể chế, pháp luật ngày càng hoàn thiện. Kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử ngày càng bài bản, phối hợp chặt chẽ. Chính vì vậy những lĩnh vực mới, khó, nhạy cảm đã được phát giác và lôi ra ánh sáng. Nhưng những kẻ tham nhũng, vi phạm thường là người có chức vụ, có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ rộng cùng với đó là thiếu tu dưỡng, rèn luyện, là lòng tham và không biết sợ.
Vì vậy, những giải pháp mạnh mẽ, bao trùm hơn, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cán bộ đảng viên và nhân dân rất ấn tượng với những lời nhắn nhủ tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi dẫn tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" - Những cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận! Nếu không nghiêm khắc với chính bản thân mình, với người thân của mình, nếu không gìn giữ phẩm chất mà bị cám dỗ bởi vật chất thì tất cả sẽ mất hết. Hôm qua là Bộ trưởng, Thứ trưởng, là người đứng đầu địa phương nhưng hôm nay bị điều tra xét xử vì những vi phạm nghiêm trọng. Bởi vì cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã nhất quán quan điểm suốt 10 năm nay: đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!