Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội từng bị xuống cấp, bị trưng dụng làm trường mẫu giáo. Sau 3 năm trùng tu, nơi đây đã trở thành trung tâm triển lãm nghệ thuật đặc sắc của thủ đô. Đây chỉ là 1 trong 579 dự án đã, đang và sẽ được tu bổ. Trong 5 năm từ 2021- 2025, thành phố Hà Nội dành hơn 14.000 tỷ đồng cho việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, con số lớn gấp hàng chục lần so với các nhiệm kỳ trước đây.
Còn tại cố đô Huế, nghị quyết Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh xác định di sản nguồn lực cần đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh này mới thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. 35 tỷ đồng được đầu tư để chỉnh trang tại khu vực Thượng Thành, thay đổi hoàn toàn hình ảnh nhếch nhác trước đây.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã có hơn 400 dự án tu bổ di tích được thẩm định và triển khai với tổng kinh phí 1.428 tỷ đồng. Trước đây, cứ sau 17h, nhiều di tích lịch sử đã đóng cửa "ngủ đêm". Đêm linh thiêng tại Hỏa Lò là sản phẩm du lịch lịch sử về đêm đầu tiên tại Hà Nội, mở ra hướng đi mới để biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nguồn thu từ riêng 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ qua là 2.021 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!