Bí thư cấp ủy không là người địa phương: Khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ

Quỳnh Trang, Lê Tuấn-Thứ ba, ngày 13/06/2023 19:51 GMT+7

VTV.vn - Bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải người địa phương góp phần thúc đẩy địa phương phát triển và khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Thực hiện chủ trương của Đảng về bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương trong những năm gần đây, đặc biệt là sau hơn hai năm thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ trương này đã được các cấp ủy tích cực triển khai. Điều này giúp các địa phương phát triển nhờ khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Nhất là ở những nơi mất đoàn kết, có vấn đề nổi cộm.

Tại huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, đến nay là 3 nhiệm kỳ liên tiếp, người đứng đầu Huyện ủy đều là cán bộ được thành phố điều động, luân chuyển về.

Bí thư cấp ủy không là người địa phương: Khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ - Ảnh 1.

Ông Mai Đức Nguyên, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội cho biết: "Cả 3 đồng chí nắm bắt rất nhanh tình hình của Thanh Oai. Các đồng chí này rất gần gũi với cơ sở để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Tôi cho là cá thành công nhất là các đồng chí đã rút ra được bài học của địa phương và phát huy rất tốt".

Rút ra được bài học là bởi ở Thanh Oai từng có giai đoạn mất đoàn kết nghiêm trọng. Thậm chí, có thời điểm, 40% cấp ủy, cấp huyện phải điều động thì Đảng bộ huyện mới tổ chức được Đại hội thành công.

Sự kiên quyết của cấp ủy cấp trên cùng với sự nỗ lực của cán bộ luân chuyển dần dần cũng đã thuyết phục được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. Nếu như trước đây, việc điều động, luân chuyển cán bộ là để giải quyết yêu cầu tình thế, thì nay, công tác này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Hiện Hà Nội đã bố trí Bí thư cấp ủy không phải người địa phương tại 28/30 quận, huyện.

Sau Đại hội XIII của Đảng, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự vào cuộc của các cấp ủy, không chỉ Hà Nội, việc bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đã được nhiều nơi tích cực triển khai. Đến nay, nhiều tỉnh, thành ủy đã hoàn thành bố trí 100% Bí thư cấp huyện không phải là người địa phương.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đặt mục tiêu đến năm 2025 "cơ bản bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện". Một số địa phương như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Bình, Hà Giang, Sơn La, Quảng Bình, Kon Tum, Đắc Nông, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Tây Ninh đã hoàn thành bố trí 100% Bí thư cấp huyện không phải người địa phương.

Đặc biệt, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị đã điều động nhiều cán bộ từ Trung ương về làm Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy. Số lượng Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương ngày một nhiều, chiếm tỷ lệ trên 50%.

Chủ trương bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương đang đem lại tác dụng tích cực, bởi trải nghiệm thực tiễn luôn là "phép thử" đối với bản lĩnh và năng lực của người cán bộ. Một phương pháp lãnh đạo đúng vì sự phát triển của địa phương và một lối sống nêu gương của người cán bộ sẽ luôn là yếu tố làm nên uy tín cho tập thể.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước