Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng xây dựng dự Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân, bảo đảm công khai trong hoạt động và đề cao được trách nhiệm giải trình của chính quyền, cơ quan, đơn vị ở cơ sở đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Đồng tình cao với những qui định trong dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở ra đời sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực hiện các Pháp lệnh, Nghị định về thực hiện dân chủ hiện hành.
Góp ý xây dựng Luật, một số đại biểu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bổ sung một số quy định đặc thù trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phải mở rộng hơn nữa đến các hình thức dân chủ trực tiếp.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng góp ý về nội dung đưa chế định "Thanh tra nhân dân" vào dự Luật.
Theo ông Nguyễn Hải Hưng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "Nếu chúng ta đưa quy định về Ban Thanh tra Nhân dân thì một là nó có phải là tổ chức không? Theo dự thảo Luật thì đây là một lực lượng UBMTTQ với xã phường và Công đoàn do các tổ chức giới thiệu ra, tuy nhiên tôi có cảm giác đây là cơ quan nối dài của Mặt trận Tổ quốc hay của Công đoàn, liệu tính khả thi có thực hiện được không?".
Theo kế hoạch, dự Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận trong phiên toàn thể vào cuối kỳ họp.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã thảo luận về dự Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!