Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo xây dựng các dự án luật

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 03/11/2021 14:03 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo tại Hội nghị

VTV.vn - Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.

Ưu tiên xây dựng dự án, dự thảo trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021 và 2022

Sáng 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã trình bày dự kiến Kế hoạch của Chính phủ triển khai Kết luận số 19-KL/TW và Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và các giải pháp bảo đảm thực hiện.

Theo đó, Chính phủ đã xác định một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gắn với trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện.

Dự kiến Kế hoạch của Chính phủ xác định 4 nhóm nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, tổ chức quán triệt nội dung Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội và Kế hoạch triển khai thực hiện. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Tư pháp và các Bộ thực hiện ngay và hoàn thành trong tháng 11/2021.

Thứ hai, tập trung soạn thảo, xây dựng, trình các dự án, dự thảo đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022. Đây là nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện. Dự kiến Kế hoạch, Chính phủ giao trách nhiệm cho 09 bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo theo các Quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ về thực thiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu, rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các dự án, dự thảo đã được xác định trong Đề án của Đảng đoàn Quốc hội. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở nội dung Kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, nội dung định hướng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện rà soát, nghiên cứu lý luận, tổng kết, đánh giá pháp luật hiện hành, gắn với nhiệm vụ lập pháp, chuẩn bị các dự án, dự thảo thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách theo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội, trọng tâm là đánh giá đầy đủ về mức độ phù hợp, tính khả thi, hiệu quả thực tế, các nội dung bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, rà soát, tổng kết, đánh giá pháp luật, nếu thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh theo nội dung định hướng đã được xác định theo Đề án, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện:

(i) Tiến hành lập đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh;

(ii) Báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

(iii) Phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2022 hoặc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2023 - 2026 thuộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thứ tư, ngoài những nhiệm vụ cơ bản nêu trên, dự kiến Kế hoạch của Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện một số nhiệm vụ khác:

- Chú trọng ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý vào xây dựng pháp luật.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu cơ chế phân bổ kinh phí cho công tác lập pháp, bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện thực hiện trong các khâu của toàn bộ quy trình lập pháp.

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, củng cố kiện toàn, đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ được giao.

Rà soát, xử lý triệt để các quy định trái pháp luật

Về các giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; quan tâm đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác này; chú trọng việc đề xuất xây dựng, trình các dự án luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn được xác định trong Đề án về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiên quyết không xem xét các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các dự án luật, dự thảo không bảo đảm chất lượng, thủ tục, thời hạn trình theo quy định. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, xử lý triệt để các quy định trái pháp luật, các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất; các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hỗ trợ thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả; đồng thời, nghiên cứu đề xuất thí điểm quy định đối với những vấn đề cấp bách, cần thiết mà thực tiễn đặt ra trong bối cảnh tình hình mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ cũng như các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp phụ trách chỉ đạo công tác xây dựng thể chế theo đúng yêu cầu của Chính phủ, ưu tiên tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, yêu cầu các địa phương tham gia, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật. Chú trọng ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý vào xây dựng pháp luật. Hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật. Khai thác, ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số để đổi mới phương pháp, rút ngắn quy trình, tiết giảm thời gian, nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Đồng thời, Chính phủ đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đã được xác định trong Đề án.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quy định của pháp luật, đặc biệt là phản biện các chính sách quan trọng trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong tổ chức hiện

Trên cơ sở các nhóm nhiệm vụ đã được xác định ở trên, Kế hoạch đã xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện, bao gồm trách nhiệm cá nhân của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. Cụ thể như sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và nghiên cứu, rà soát hoặc nghiên cứu xây dựng mới từ nay cho đến hết năm 2025; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng; nghiên cứu, rà soát; chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan giải quyết hoặc kịp thời, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các dự án luật cũng như phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự án luật; kịp thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ lập pháp để bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng được đề ra trong các văn kiện mới của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020); xác định rõ yêu cầu, điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác tổng kết, đánh giá tác động chính sách đầy đủ, lấy ý kiến thực chất và hiệu quả; hạn chế tối đa việc xem xét bổ sung dự án vào Chương trình đồng thời với việc xem xét nội dung dự án. Bố trí đề xuất cân đối, hài hòa, hợp lý số lượng dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Đẩy mạnh và đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức; cử người đại diện đúng thẩm quyền, tham gia đầy đủ trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và kịp thời báo cáo Chính phủ những vấn đề lớn có ý kiến khác nhau hoặc phát sinh để giải trình, bảo vệ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

- Bộ Tư pháp có trách nhiệm tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ; nâng cao chất lượng lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; thẩm định kịp thời, đúng thời hạn và nâng cao chất lượng thẩm định; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các phiên họp chuyên đề của Chính phủ; làm đầu mối giúp Chính phủ tổ chức việc quán triệt, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo việc thực hiện Kế hoạch.

- Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm bố trí các phiên họp Chính phủ thường kỳ, phát huy việc tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để dành nhiều thời gian cho Chính phủ thảo luận các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội. Đổi mới thủ tục và đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý các vấn đề nội dung có ý kiến khác nhau và tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ.

- Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan thực hiện cơ chế về tài chính bảo đảm thực hiện Kế hoạch này chất lượng, hiệu quả.

Hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển Hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển

VTV.vn - Định hướng tổng thể công tác lập pháp của Quốc hội là tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước