Các định hướng lớn để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Báo điện tử Chính phủ-Thứ tư, ngày 20/09/2023 06:30 GMT+7

VTV.vn - Sáng 19/9, tối cùng ngày theo giờ Hà Nội,Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington, D.C.

Trước đó, trong đêm ngày 18/9, sau các hoạt động cuối cùng tại thung lũng Silicon, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu đã rời San Francisco, lên đường tới thủ đô Washington, D.C. Chuyến thăm và làm việc tại Đại học Georgetown là hoạt động đầu tiên của Thủ tướng ngay sau khi đặt chân tới Washington, D.C vào đầu giờ sáng 19/9.

Các định hướng lớn để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo Đại học Georgetown. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Phát biểu tại thư viện của Đại học Georgetown, Thủ tướng nhắc lại, cách đây hơn một tuần, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam có ý nghĩa lịch sử, cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau 48 năm đã có bước tiến dài, từ chiến tranh, hận thù đến bình thường hoá quan hệ năm 1995, ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (năm 2001); thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2013); Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam (năm 2015) đến nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (2023).

Điều này cho thấy tinh thần gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững; hiện thực hoá tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người anh hùng dân tộc vĩ đại của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, trong Thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Truman ngày 16/02/1946 đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đầy đủ với Hoa Kỳ.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng tập trung trình bày 3 nội dung chính: 

1. Thế giới hiện nay thế nào? 

2. Mục tiêu, một số chính sách lớn của Việt Nam. 

3. Chúng ta phải làm gì để hiện thực hoá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới?

Các định hướng lớn để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Georgetown. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

THẾ GIỚI HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO?

Làm rõ vấn đề thứ nhất, "thế giới hiện nay thế nào", Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo và xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo tiếp tục mở ra những cơ hội phát triển mới. Trí tuệ sáng tạo của con người là không giới hạn.

Song, nhân loại cũng đang đứng trước thời điểm khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh (Chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt năm 1918; Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt năm 1945). Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, gia tăng vũ trang, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang nổi lên.

"Có thể nói thế giới tổng thể là hoà bình - cục bộ có chiến tranh; tổng thể là hoà hoãn - cục bộ có xung đột; tổng thể là ổn định - cục bộ có căng thẳng. Ranh giới giữa chiến tranh và hoà bình, giữa phát triển và tụt hậu, giữa độc lập và phụ thuộc trở nên mong manh. Các thách thức già hoá dân số, an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, lương thực, nguồn nước, năng lượng và tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng diễn biến ngày càng gay gắt, đa chiều, gây ra hậu quả nặng nề", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, kinh tế toàn cầu đang chứng kiến nhiều cơn gió ngược. Ngân hàng Thế giới đã phát đi cảnh báo về một "thập kỷ mất mát". Nhiều mục tiêu Phát triển bền vững bị đẩy lùi, khó có thể hoàn thành vào năm 2030.

Với hơn 60% dân số thế giới và chiếm 60% GDP toàn cầu, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được kỳ vọng là khu vực phát triển năng động hàng đầu, là tâm điểm hội tụ hợp tác và liên kết, với những khu vực thương mại tự do lớn hàng đầu thế giới như RCEP, CPTPP, nơi lợi ích được điều hoà, kết nối được khai thông, sức mạnh được nhân lên.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có cạnh tranh chiến lược, tiềm ẩn tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, các vấn đề thu hút quan tâm của dư luận quốc tế và nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, không loại trừ dẫn đến căng thẳng, mất kiểm soát.

"Nói cách khác, thế giới đang biến động phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó định đoán, đặt ra bài toán chung cho sự an nguy và phát triển của nhân loại, cho vai trò của quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lựa chọn con đường chủ động thích ứng, tranh thủ cơ hội, hoá giải thách thức, lấy hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển làm mục tiêu, lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ", Thủ tướng nói.

Các định hướng lớn để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 3.

Trường Đại học Georgetown được thành lập vào năm 1789, là ngôi trường mơ ước của không chỉ rất nhiều sinh viên Mỹ mà còn có cả sinh viên quốc tế - Ảnh VGP/Nhật Bắc

MỤC TIÊU, MỘT SỐ CHÍNH SÁCH LỚN CỦA VIỆT NAM

Về nội dung lớn thứ hai, Thủ tướng cho biết Việt Nam lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vừa là mục tiêu tổng quát, vừa là động lực để phấn đấu. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thứ nhất, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, nhân dân làm nên lịch sử; sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân.

Thứ ba, đoàn kết, đại đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết:

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công".

Thứ tư, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài.

Thứ năm, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Các định hướng lớn để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 4.

Thủ tướng đề xuất một số quan điểm để hiện thực hoá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về một số định hướng lớn của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ:

Thứ nhất, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ hai, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Thứ ba, xây dựng nền dân chủ XHCN (phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc).

Thứ tư, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo tinh thần văn hoá soi đường cho quốc dân đi – Văn hoá còn thì dân tộc còn.

Thứ năm, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Thứ sáu, xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ bảy, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân - xây dựng thế trận an ninh nhân dân - xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; kiên trì chính sách quốc phòng "4 không": (1) Không tham gia liên minh quân sự; (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Thứ tám, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng phải xây dựng đường lối đúng; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Thứ chín, xuyên suốt là yếu tố con người. Coi con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước