Đây là xu hướng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Một số đại biểu đề xuất chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực quản trị; đồng thời, cần có cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp và báo cáo định kỳ trước Quốc hội. Việc ủy quyền chỉ nên giới hạn ở các nhiệm vụ hành chính, không áp dụng đối với quyết định chính sách vĩ mô, và phải được giám sát.
Ông Trần Văn Khải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết: "Ủy quyền có thể tạo ra các lãnh địa hành chính, ví dụ như khi một số địa phương được ủy quyền đặc biệt nhưng không có cơ chế đánh giá năng lực định kỳ có thể dẫn đến họ tự quyết định mà không theo định hướng chung của quốc gia. Tôi đề nghị bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để tránh chồng chéo và cát cứ quyền lực".
Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu ý kiến: "Điều 7 nói là phân quyền nhưng chưa định nghĩa rõ khuôn khổ nào là của địa phương và cái nào là của Trung ương. Nếu theo tinh thần và nguyên tắc của Điều 5 nói là luật lần này làm đi theo hướng địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm nhưng lại không quy định những việc nào được coi là việc ở địa phương, sẽ rắc rối trong quá trình điều hành".
Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, có đại biểu cho rằng cần có ranh giới rõ ràng; đồng thời, đề nghị làm rõ khái niệm phân quyền và phân cấp, cũng như cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các Bộ trưởng trong trường hợp Bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Cần cơ chế đặc thù về hoạt động tố tụng trong tinh gọn bộ máy
Cũng trong sáng nay, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, có đại biểu đề nghị hoạt động tố tụng, thanh tra cần đảm bảo quyền con người. Trong giai đoạn các cơ quan hợp nhất, sáp nhập cần có cơ chế đặc thù để đảm bảo vấn đề này.
Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị: "Nếu những cá nhân, cơ quan này đang trong thời kỳ thanh tra hoặc trong thời kỳ điều tra, truy tố, xét xử mà hợp nhất hoặc giải thể thì bây giờ sẽ như thế nào. Cho nên, việc thực hiện cho phép tiếp tục kế thừa để tổ chức thực hiện theo quy trình, theo tổ chức tố tụng là một vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cần có một sự thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư để làm sao ổn định và phát huy tính dân chủ, quyền của con người không bị ảnh hưởng".
Bà Nguyễn Thị Sửu, Đại biểu Quốc hội TP. Huế kiến nghị: "Hiện không tổ chức công an cấp huyện. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về hình sự, lực lượng công an là cơ quan trực tiếp đầu tiên thực hiện hoạt động tố tụng. Nếu nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/3 thì thời gian còn rất ngắn để các cơ quan, Viện, Tòa thực hiện công việc tiếp theo và sẽ khó có sự điều chỉnh phù hợp. Vì vậy, đề nghị đối chiếu đối với hiệu lực nghị quyết cần có cơ chế đặc thù riêng ở hoạt động tố tụng để phục vụ cho hoạt động tố tụng".
Tại phiên thảo luận, các cơ quan thẩm tra, và soạn thảo cho biết sẽ phối hợp nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu để chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!