Cần Thơ muốn "khoác áo mới" để là thành phố đáng sống

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 13/02/2023 20:54 GMT+7

VTV.vn - Định hướng phát triển 3 trụ cột "Kinh tế - Xã hội - Môi trường với chất lượng cuộc sống con người được đảm bảo", Cần Thơ muốn trở thành thành phố đáng sống vào năm 2050.

Khi trung tâm mới chỉ là vị trí

Chiều 13/2 đã diễn ra Hội nghị thẩm định Quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần Thơ hiện là đô thị loại I trực thuộc trung ương, thành phố có vị trí và vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là giao điểm của hành lang kinh tế đô thị dọc sông Hậu và hành lang kinh tế đô thị TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, và nằm trong Tứ giác trung tâm vùng.

Tuy nhiên cho tới nay, tiềm năng của Cần Thơ chưa được phát huy tối đa, một phần cơ bản là do hệ thống hạ tầng chính của vùng chưa hoàn thiện và chiến lược phát triển của Cần Thơ chưa được đồng bộ. Các công năng cấp vùng còn chưa đủ tầm, chưa đủ lớn, và nằm rải rác, chưa tạo được hiệu quả đầu tàu, động lực.

Cần Thơ muốn khoác áo mới để là thành phố đáng sống - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng Cần Thơ mới chỉ là trung tâm của ĐBSCL ở mặt vị trí địa lý (Ảnh: Đức Trung)

"Cần Thơ được cả nước xác định là trung tâm của ĐBSCL. Mặc dù ở giữa nhưng trung tâm nó chỉ là vị trí thôi. Khái niệm trung tâm với sức hút, sức mạnh về kinh tế, có khả năng lan toả thì thành phố chưa có", Bí thư Thành uỷ TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhấn mạnh tại hội nghị.

Do đó, quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá nhằm đánh thức các tiềm năng và lợi thế của Cần Thơ.

"Cần Thơ thực hiện Quy hoạch tích hợp với một quyết tâm cao nhằm trở thành đầu tàu, kéo theo sự phát triển toàn diện cho toàn vùng đất chín rồng. Quy hoạch mới thể hiện một khát vọng vươn lên để trở thành đô thị sông nước đáng sống trong tương lai", ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Cần Thơ muốn khoác áo mới để là thành phố đáng sống - Ảnh 2.

Về định hướng quy hoạch Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, thành phố này hướng tới sự phát triển cân bằng, phát huy các tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển hài hòa theo 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường với chất lượng cuộc sống con người được đảm bảo.

Cụ thể, Cần Thơ muốn trở thành trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao. Trở thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao…

Cần Thơ đặt mục tiêu tăn trưởng kinh tế 9% trong giai đoạn 2021 - 2030; GRDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành đạt 194,37 triệu VNĐ vào năm 2030; Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 đạt 339.000 tỷ VNĐ vào năm 2030.

"Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ đặt mục tiêu tiếp tục phát triển đồng đều định hướng trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao, tập trung vào hoạt động bán lẻ hiện đại và du lịch giá trị cao, tiên phong trong phát triển đô thị xanh", ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ đặt mục tiêu tiếp tục phát triển đồng đều định hướng trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam

Huyết mạch giao thông

Để hiện thực hoá các mục tiêu cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Cần Thơ xác định giao thông đường bộ sẽ là huyết mạch để kết nối liên vùng. Khung kết nối bao gồm 3 tuyến cao tốc, 6 tuyến quốc lộ, 1 tuyến liên tỉnh, 20 tuyến đường tỉnh, các trục chính đô thị và tuyến vành đai thành phố.

Song song đó, phát triển đường thủy nội địa và kiến thiết hạ tầng đường biển đảm bảo lưu thông tàu trọng tải đến 20.000 tấn trên luồng sông Hậu. Từ đó, xây dựng hệ thống cảng biển Cần Thơ thành cửa ngõ quan trọng nhất cho xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL trong vài thập kỷ tới.

Cần Thơ muốn khoác áo mới để là thành phố đáng sống - Ảnh 4.

Định hướng phát triển hạ tầng giao thông của Cần Thơ

Thành phố cũng định hướng mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ liên vận quốc tế, đồng thời quy hoạch Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không này. 

Phát triển một vùng đô thị cảng hàng không rộng hàng chục ngàn ha, để trở thành một cửa ngõ hàng không xứng tầm của vùng. Bên cạnh đó là tinh gọn và hoàn thiện kết nối giao thông công cộng từ hệ thống xe buýt, định hướng sau 2030 có thể đưa vào đầu tư xe điện, các tuyến đường sắt metro sau năm 2050 dựa vào nhu cầu thực tế.

2 trung tâm kinh tế, 3 vùng phát triển

Bên cạnh hạ tầng giao thông, vấn đề không gian phát triển cũng là một trong các trọng tâm trong quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Cần Thơ định hướng phát triển hai trung tâm kinh tế động lực gồm: Phía Bắc, từ Thốt Nốt kéo dọc theo tuyến đường quốc lộ 80 và Cao tốc Lộ Tẻ, Rạch Sỏi; Phía Nam, xung quanh khu vực trung tâm hiện hữu Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng.

"Cụm phía Bắc thiên về công nghiệp, cụm phía Nam đa chức năng, nhưng thiên về đô thị, thương mại, dịch vụ. Hai cụm này được kết nối với nhau bởi tuyến đường đa phương thức Nam sông Hậu", ông Hiển thông tin.

Cần Thơ muốn khoác áo mới để là thành phố đáng sống - Ảnh 5.

Định hướng không gian phát triển của Cần Thơ

Với 3 vùng phát triển, Cần Thơ định hướng phát triển 3 vùng lõi: Vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam: Liên kết bốn quận Ninh Kiều - Bình Thủy - Cái Răng - Phong Điền, lưu vực sông Cần Thơ; Vùng phát triển kinh tế mới phía Bắc: Liên kết các quận huyện Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh thành khu vực phía bắc. Vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ngoài ra, Cần Thơ cũng định hướng phát triển Hai trục phát triển theo chiều dọc, ba trục phát triển theo chiều ngang. Trong đó, Hai trục dọc là dọc theo sông Hậu và dọc tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ba trục ngang là trục phía bắc dọc cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, trục giữa dọc theo tuyến liên vùng Đồng Tháp - Ô Môn - Giồng Riềng và trục phía nam dọc theo quốc lộ 1A và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau.

"Thành phố sẽ sử dụng những yếu tố chính của đô thị thông minh như công nghệ số, kết nối internet vạn vật để cho phép những phát triển đô thị mà trước đây không làm được", ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Tăng mạnh tỷ lệ đất phi nông nghiệp

Ngoài ra để đáp ứng quy hoạch, Cần Thơ cho biết cấu trúc sử dụng đất trong tương lai của thành phố sẽ có những biến động lớn so với quá khứ và hiện tại. Theo đó, tỷ lệ đất nông nghiệp dự kiến sẽ giảm từ 79% hiện nay xuống còn khoảng 55%, trong đó đặc biệt đất lúa sẽ giảm sâu, từ gần 55% xuống khoảng 20%.

"Cần Thơ xác định không phải vùng trọng điểm trồng lúa. Những diện tích lúa còn lại chỉ có vai trò cảnh quan hoặc là mô hình nghiên cứu công nghệ", đại diện UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Tỷ lệ đất phi nông nghiệp sẽ tăng mạnh, từ khoảng 21% hiện nay lên 45% trong đó đặc biệt là các loại đất sản xuất kinh doanh, đất hạ tầng, không gian công cộng, cây xanh đô thị. Riêng đất ở sẽ khống chế mức tăng thấp, phù hợp với dự báo tăng trưởng dân số.

Trước mắt, Cần Thơ sẽ thực hiện việc chuyển đổi sử dụng đất theo Quyết định 326. Khi nào thực hiện hết chỉ tiêu thì sẽ xin điều chỉnh chỉ tiêu. Việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất này sẽ được áp dụng cho các kế hoạch sử dụng đất hàng năm và năm năm, chứ không phải là nội dung định hướng của quy hoạch tích hợp.

Quy hoạch Cần Thơ không chỉ vì Cần Thơ

Phát biểu góp ý về Quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đâu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, nếu không chọn được cách tiếp cận đúng, không xác định được định hướng đúng, cách đi, đích đến, thời gian đến và phương thức thực hiện thì không thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn thách thức.

Theo Bộ trưởng, Cần Thơ đang có những điều kiện thuận lợi để triển khai Quy hoạch này khi hiện có có Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 59 riêng cho chính sách đặc thù cho Cần Thơ, quy hoạch cho ĐBSCL, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành về giao thông, các Nghị quyết trung ương Đảng, Bộ Chính trị về các vùng, các định hướng mới trong phát triển các ngành, chủ trương phát triển các ngành như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Cần Thơ muốn khoác áo mới để là thành phố đáng sống - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc quy hoạch Cần Thơ không chỉ vì Cần Thơ mà còn cho cả vùng ĐBCSL, cũng như giúp thành phố này trở thành cực tăng trưởng của đất nước

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần quy hoạch để Cần Thơ đóng vai trò, sứ mệnh mới cao hơn, trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cũng như thành cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy lôi kéo phát triển cho cả vùng, chứ không phải riêng của thành phố này.

Quy hoạch Cần Thơ không chỉ vì Cần Thơ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

"Quy hoạch phải chỉ rõ Cần Thơ đang ở đâu, sắp tới phát triển thế nào, gắn với vùng thế nào để lan tỏa, kết nối, thúc đẩy cho cả vùng, xứng đáng với vai trò của thành phố. Phải đặt trong phát triển của cả vùng trong thời gian tới. Làm sao Cần Thơ có bản quy hoạch chất lượng tốt nhất, đảm bảo cho thành phố có bước phát triển đột phá thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước